Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, việc bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng sẽ tạo ra sự chủ động cho các tổ chức tín dụng trong quá trình cung ứng vốn; khi rủi ro, các ngân hàng sẽ phải tự hạn chế.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 31/5/2022, tín dụng đã tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này là phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Theo chuyên gia, việc bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng sẽ tạo ra sự chủ động cho các tổ chức tín dụng trong quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế
Theo Thống đốc, căn cứ mục tiêu kinh tế - xã hội về tăng trưởng GDP lạm phát, hàng năm Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm của cả hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Việc này bảo đảm cung cấp vốn cho phát triển kinh tế nhưng cũng thận trọng với rủi ro lạm phát và rủi ro nợ xấu phát sinh.
“Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể như xác định và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại đã có ý kiến về việc cho vay hết hạn mức tín dụng được giao và đề xuất lên NHNN nới thêm hạn mức này. Việc áp dụng hay bỏ cơ chế hạn mức tín dụng cũng nhiều lần được giới chuyên môn đặt ra.
Về vấn đề này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc, tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược (NHNN) bày tỏ quan điểm rằng, NHNN đã quy định rất chi tiết tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng nguồn vốn huy động từ thị trường I là không quá 80%, nên câu chuyện bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được khống chế bởi quy định về tỷ lệ an toàn nói trên và các tỷ lệ an toàn khác. Vì vậy, NHNN có thể sớm nghiên cứu và xem xét không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng đối với của các NHTM, vì đây là công cụ hành chính mà NHTW ở hầu hết các nước đã không còn sử dụng.
“Thực tế, NHNN có thể khống chế bằng tỷ lệ hệ số quy đổi, bằng tổng cho vay trên tổng huy động từ nền kinh tế,... Còn với hệ số nhân tiền tệ, muốn kiểm soát để mức độ tăng tín dụng hạn chế, có thể đẩy tỷ lệ dự trữ bắt bắt buộc lên.
Hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang tạo sức ép về câu chuyện hết “room” tín dụng nên không thể cho vay. Nhưng không ai hiểu được bản chất vấn đề, vì ngân hàng phải huy động được vốn, thì mới có thể cho vay. Đồng thời nếu Ngân hàng Trung ương không bơm tiền ra để nâng cao lãi suất tái cấp vốn, cũng không thể có tiền để tăng tín dụng”, ông Hoè nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoè, nhiều người nghĩ công cụ hạn mức tín dụng nhằm giúp kiểm soát lạm phát song điều đó là không đúng. Lạm phát không chỉ có nguyên nhân từ câu chuyện tín dụng, mà đến từ chi phí, giá cả hàng hóa thế giới tăng nhập khẩu vào Việt Nam, dẫn đến giá thành tăng cao. Cùng với đó là tất cả các chi phí xăng dầu đầu vào tăng nên các chi phí khác cũng phải tăng theo. Nhìn chung, chi phí đẩy là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát chứ không đến từ yếu tố tiền tệ.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại huy động tiền thực từ nền kinh tế rồi mới cho vay. Đây cũng chỉ là nhiệm vụ phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế, từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, chứ không phải câu chuyện “xin cho”.
“Vì vậy, việc bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng sẽ tạo ra sự chủ động cho các tổ chức tín dụng trong quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế. Khi có nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng sẽ phải hạn chế cung ứng, còn khi nền kinh tế phục hồi thì lại sẵn sàng huy động vốn, để có thể cung ứng tiền dồi dào hơn. Với van tín dụng như vậy sẽ nhanh nhạy và đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường hơn”, ông Phạm Xuân Hoè nêu quan điểm.