A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh": Nhu cầu vốn và giải pháp tổng thể

Ứng phó với ảnh hưởng về kinh tế xã hội nói chung, gây ra rủi ro tài sản mắc kẹt trong nhiều ngành kinh tế của biến đổi khí hậu, cần giải pháp tài chính cụ thể và giải pháp tổng thể.

Đây cũng là điều kiện cần để đảm quá trình chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh" đạt hiệu quả.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của các cam kết quốc tế tiến tới Zero các bon

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của các cam kết quốc tế tiến tới Zero các bon

Chúng ta có thể nhìn lại quá trình các đánh giá trước đây về biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động của nó tới Việt Nam. Theo đó, có thể tóm tắt sơ bộ: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Nhiệt độ trung bình năm đã tăng trên toàn Việt Nam với mức tăng trung bình khoảng 0,89ºC cho thời kỳ từ 1958 đến 2018 (~0,15°C/thập kỷ). Thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất. Trong cùng thời kỳ, lượng mưa năm tăng nhẹ với mức tăng trung bình khoảng 5,5%, mực nước biển cũng tăng lên, với mức tăng trung bình là 3,6 mm/năm cho giai đoạn 1993–2018 

Các nước trên thế giới đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế có thể dẫn đến thu nhập khoảng 200 triệu và mất khoảng 185 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu vào năm 205-. Điều này bao gồm nhu cầu về việc làm trong hoạt động và xây dựng tài sản vật chất. Nhu cầu việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch khai thác và sản xuất và các ngành điện dựa trên hóa thạch có thể giảm khoảng 9 triệu và 4 triệu việc làm trực tiếp, tương ứng, do kết quả của quá trình chuyển đổi, trong khi nhu cầu về khoảng tám triệu việc làm trực tiếp sẽ được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydro và nhiên liệu sinh học vào năm 2050.

Trong khi quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra cơ hội, các lĩnh vực có các sản phẩm hoặc hoạt động phát thải cao - tạo ra khoảng 20% GDP toàn cầu - sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể đến nhu cầu, chi phí sản xuất và việc làm. Phân tích của chúng tôi như các chia sẻ trước cho thấy ngoài các ảnh hưởng về kinh tế xã hội nói chung, BĐKH còn có thể gây ra rủi ro tài sản mắc kẹt trong nhiều ngành kinh tế. Một trong những ngành sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi Việt Nam thực hiện các cam kết COP 26 là năng lượng (các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất điện than, các tổ chức tài chính tài trợ). Vấn đề tài sản mắc kẹt trong ngành năng lượng mới chỉ nhận được rất ít các nghiên cứu ở Việt Nam trong khi đây lại là lĩnh vực có quy mô tài sản rất lớn. Vì vậy, mặc dù đã có những khuôn khổ chính sách liên quan đến BĐKH, Việt Nam vẫn cần những chương trình hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực và cần nhiều hơn sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào thực thi các hành động.

Chính phủ và các công ty ngày càng cam kết hành động vì khí hậu. Tuy nhiên, có những thách thức quan trọng cản đường, một quá trình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh" sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực. Các bên liên quan cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn. Các rủi ro ngắn hạn là do các hành động được chuẩn bị kém hoặc phối hợp không tốt giữa các bên. Rủi ro dài hạn do không có kế hoạch hành động cụ thể hoặc chậm trễ trong ứng phó với các tác động của BĐKH.

Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để đáp ứng mục tiêu đưa phát thải nhà kính về 0. Một số chính sách cần được xem xét trong giai đoạn sắp tới để hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH và giảm rủi ro tài sản mắc kẹt. (Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt mới đây là một những nỗ lực chính sách rất đáng chờ đợi).

Vậy chúng ta chờ đợi Chính phủ với những hành động cụ thể nào?

Thứ nhất, phát triển thị trường carbon tự nguyện. Việc phát triển và mở rộng thị trường carbon tự nguyện trong ngắn hạn và thị trường tuân thủ trong dài hạn có thể đóng một vai trò trong việc cung cấp tài chính sự chuyển đổi mô hình năng lượng. Các khoản tín dụng carbon có thể trở thành một phương tiện quan trọng để tài trợ cho chuyển đổi net-zero, để bổ sung cho các nỗ lực của công ty nhằm giảm phát thải cacbon trong hoạt động của họ.

Thứ hai, định giá ngoại tác với môi trường để cân bằng lại các ưu đãi. Chính phủ có thể xem xét áp dụng mức độ khác nhau về phí phát thải để có thể khuyến khích đầu tư cho các dự án giảm phát thải. Định giá carbon cũng có thể tạo ra doanh thu chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.

Nhu cầu vốn cho phát triển xanh

Nhu cầu vốn cho phát triển xanh

Thứ ba, hỗ trợ đầu tư các-bon thấp và xem xét hỗ trợ qua các dự án PPP. Việc huy động nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi mô hình cung cấp điện từ "nâu" sang "xanh" luôn không dễ dàng. Vì vậy, có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như thực hiện cam kết bảo lãnh cho vay với các nhà máy điện than chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (NLTT). Thực hiện các dự án PPP cũng là một cách để chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh".

Thứ tư, hỗ trợ kinh phí cho việc hạn chế sử dụng hoặc ngừng sử dụng tài sản mắc kẹt Chính phủ mua lại nhà máy điện than cũ, sau đó có thể ngừng hoạt động trước thời hạn, và sau đó yêu cầu chủ sở hữu đầu tư số tiền thu được vào các dự án năng lượng phát thải thấp. Trong trường hợp này có thể huy động các quỹ đa phương hoặc quỹ của chính phủ để hạn chế rủi ro từ tài sản mắc kẹt.

Nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam từ nay đến 2040 là khoảng 368tỷUSD(WB,2022). Còn theo Quy hoạch Điện VIII, ước tính nguồn tài chính cần thiết mỗi năm 15-16 tỷ USD cho đến năm 2030.

Thứ năm, hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế để hạn chế rủi ro tài sản mắc kẹt Chính phủ có thể hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phát thải thấp mới khi nhu cầu giảm dần đối với nhiên liệu hóa thạch và các ngành nghề sử dụng nhiều carbon. Các chính sách cần xem xét như:

Cho phép đào tạo lại và tái sử dụng lại lao động trong các dự án nhiệt điện hay các hoạt động có phát thải cao. Đào tạo lại công nhân cho các nhiệm vụ mới và đảm bảo rằng những người mới tham gia vào lực lượng lao động có các kỹ năng phù hợp cho các công việc cần thiết trong một nền kinh tế các-bon thấp có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện.

Xây dựng các chương trình hỗ trợ (bao gồm cả bảo hiểm) cho người lao động và người tiêu dùng. Tùy chọn để hỗ trợ người lao động bị di dời bao gồm các biện pháp hỗ trợ thu nhập như bảo hiểm thất nghiệp hay hỗ trợ kinh phí chuyển đổi việc làm. Chính phủ cũng có thể xem xét trợ cấp cho người tiêu dùng, đặc biệt là những hộ gia đình có thu nhập thấp, nếu quá trình chuyển đổi tiêu thụ năng lượng mang lại lợi ích ròng cao hơn.

Tiếp tục hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu trong đó có các nghiên cứu chuyên sâu về tài chính, rủi ro tài sản do yếu tố môi trường trong toàn bộ nền kinh tế. Trong ngắn hạn, việc tiếp tục sử dụng điện than là không thể tránh khỏi. Vì vậy cũng cần các biện pháp hỗ trợ để cải thiện hiệu quả sử dụng điện, tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ cần có những quy định bắt buộc về sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời với việc tính toán các phương án phát triển nguồn điện. Chi phí ngoại biên liên quan đến bảo vệ môi trường và phát thải KNK cũng cần được tính toán đầy đủ khi lập dự án đầu tư các nhà máy điện. Điều này đảm bảo công bằng trong lựa chọn các dự án điện trong tương lai.

Thứ sáu, các định chế tài chính cũng cần xem xét đến hàng loạt các vấn đề liên quan như: mở rộng quy mô tài chính xanh, phát triển các công cụ và sản phẩm tài chính mới dành cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các định chế tài chính cũng cần xem xét việc áp dụng các quy định mới theo hướng dẫn của BCSB (2022) liên quan đến rủi ro BĐKH.

*PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cùng cộng sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan