A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chứng khoán Việt chờ ‘sóng lớn’

Thị trường chứng khoán 2025 hứa hẹn vươn lên những tầm cao mới với “chất xúc tác” nâng hạng thị trường. Tình trạng thiếu hàng hóa tốt cũng được kỳ vọng sẽ sớm cải thiện khi nhiều doanh nghiệp đáng chú ý đang có kế hoạch IPO và lên sàn chứng khoán.

Giới phân tích cho rằng Việt Nam đã vượt qua năm 2024 trong bối cảnh có nhiều khó khăn trên toàn cầu, và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: GDP tăng trưởng hơn 7%, chỉ số VN-Index tăng 12,11%, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tỷ lệ 70% GDP.

Thu hút 4-5 tỷ USD dòng vốn mới

Đây là tiền đề cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước sang năm 2025 hứa hẹn nhiều khởi sắc khi mà VN-Index hiện đang ở giai đoạn định giá hấp dẫn với tỷ lệ P/E 14,8 lần, thấp hơn trung bình dài hạn 17 lần.

Bên cạnh đó, FTSE dự kiến nâng hạng Việt Nam lên thị trường "Mới nổi" vào tháng 9/2025. Việc nâng hạng sẽ mở ra những cửa ngõ mới cho nhà đầu tư quốc tế, gia tăng thanh khoản và đạt lại định giá cao hơn cho thị trường. Theo báo cáo của Mirae Asset, việc nâng hạng có thể thu hút từ 4-5 tỷ USD dòng vốn mới từ các quỹ đầu tư toàn cầu.

Đó là những yếu tố tạo cơ hội và xu hướng tích cực cho TTCK năm 2025.

“Với một thị trường định giá hấp dẫn, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, triển vọng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam đang rất sáng sủa. Những nỗ lực cải cách và hợp tác quốc tế của Chính phủ, cùng với niềm tin từ các nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ đưa TTCK Việt Nam lên tầm cao mới trong năm 2025”, ông Kye Kyung Tae, Phụ trách kinh doanh toàn cầu, Tập đoàn Mirae Asset nhận định.

-1484-1736413815.jpg

Nâng hạng thị trường có thể thu hút từ 4-5 tỷ USD dòng vốn mới từ các quỹ đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi được nâng hạng, nhà đầu tư mua gì nếu thị trường không có hàng hóa tốt?

“Chứng khoán Việt Nam đang rất thiếu hàng hóa. Nâng hạng rồi vẫn có thể "rớt hạng. Chúng ta rất cố gắng để vào, nhưng quan trọng là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam", chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận xét.

Các chuyên gia thừa nhận TTCK Việt Nam như quán ăn, nếu đồ ăn thiếu, phục vụ không tốt..., nhà đầu tư sẽ tới nơi khác. Do đó, để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các ý kiến đều cho rằng cần cải thiện chất lượng hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), TTCK không có nhiều cái mới, đặc biệt là hàng hóa. "Khâu chào bán ra công chúng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới sáng sủa...", ông Sơn nói.

Kỳ vọng những “bom tấn” chờ IPO

Nikkei Asia đánh giá, năm 2024 đánh dấu một dấu mốc buồn với thị trường vốn cổ phần Đông Nam Á khi hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ. Việt Nam cũng chỉ có duy nhất 1 thương vụ IPO thành công trong năm qua thuộc về DNSE (DSE). CTCK này sau đó đã đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 7.

Thực tế, 2024 cũng là một năm thiếu vắng “bom tấn” lên sàn chứng khoán. Sau DNSE, phải đến trung tuần tháng 11, cái tên đáng chú ý nhất là Nguyên liệu Á Châu (AIG) mới chào sàn UPCoM với mức định giá ban đầu gần 11.000 tỷ đồng. Dù vậy, hầu hết các “tân binh” của sàn chứng khoán năm vừa qua đều không để lại ấn tượng, thậm chí còn trượt dài.

Tình hình được kỳ vọng sẽ sớm cải thiện khi nhiều doanh nghiệp đáng chú ý đang có kế hoạch IPO và/hoặc lên sàn chứng khoán.

Giữa tháng 11/2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của CTCP Vinpearl , công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) với tỷ lệ sở hữu 85,55%. Đây là động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Nếu điều kiện thị trường thuận lợi, không loại trừ khả năng Vinpearl sẽ IPO ngay trong năm 2025.

Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã công bố về việc phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết 2 công ty con là CTCP Ống thép Hoa Sen và CTCP Nhựa Hoa Sen. Thực tế, kế hoạch IPO công ty con của Hoa Sen đã được hé lộ và xây dựng trong nhiều năm qua, tuy nhiên dường như doanh nghiệp vẫn chưa tìm được thời điểm thích hợp để thực hiện.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đã tiết lộ về kế hoạch IPO và niêm yết trên HoSE đối với CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Đây là công ty con của HAGL, đã thực hiện tái cơ cấu và xử lý được khoản nợ lớn. Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL đã ký hợp đồng với LPBS (LVS) để thực hiện thương vụ này.

Bên cạnh những cái tên kể trên, 2 “trùm” bán lẻ là Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Retail (FRT) cũng không giấu tham vọng sẽ IPO “con cưng” của mình là Bách Hoá Xanh và Long Châu trong tương lai.

Ngoài ra, BW Industrial – một doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, cũng đang lên kế hoạch IPO tại Việt Nam.

Trong quá khứ, hoạt động IPO và đưa cổ phiếu lên sàn của các doanh nghiệp lớn là chất xúc tác quan trọng tạo ra những "con sóng" lớn trên TTCK.

Điển hình như giai đoạn 2006-2007: VN-Index lần đầu lên đỉnh 1.200 điểm, hàng loạt doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn. Chỉ trong 2 năm, HoSE đã đón thêm hơn 100 mã cổ phiếu mới, trong đó có hàng loạt “tên tuổi” như Vingroup (VIC), FPT, Nhựa Bình Minh (BMP), PV Drilling (PVD), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Khoáng sản Bình Định (BMC), Sudico (SJS), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), SSI,…

Hay như giai đoạn 2015-2018 : Sự ra đời của Quyết định 51/2014/QĐ-CP buộc doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán đã tạo ra một làn sóng hàng hoá mới, trong đó có nhiều “tên tuổi” đáng chú ý như Petrolimex (PLX), PV Power (POW), PV Oil (OIL), Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN)…

Bên cạnh đó, loạt doanh nghiệp tư nhân “đình đám” như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), VPBank (VPB),… cũng đổ bộ lên sàn. Giai đoạn này, VN-Index cũng trở lại đỉnh 1.200 sau hơn một thập kỷ.

Đặc biệt, giai đoạn 2020-21: Làn sóng ngân hàng lên sàn chứng khoán góp phần tạo ra sự sôi động chưa từng có. Lần lượt Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Nam Á (NAB), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB), MaritimeBank (mã MSB), Ngân hàng Việt Á (VAB)… đều lên giao dịch trên UPCoM trong giai đoạn này. Ngân hàng Phương Đông (OCB), SeABank (SSB) niêm yết lần đầu trong khi LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng chuyển sàn sang HoSE.

Giai đoạn này, cùng với sự tham gia ồ ạt của lớp nhà đầu tư mới, thị trường chứng khoán liên tục lập những kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản. VN-Index lần lượt vượt mốc 1.200 sau đó là 1.300, 1.400 và đặc biệt là lần đầu tiên chạm đến đỉnh lịch sử 1.500 điểm.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chứng khoán Việt Nam gần như lặng sóng. Từ đỉnh lịch sử 1.528 điểm 3 năm trước, trải qua bao thăng trầm, VN-Index vẫn đang chật vật trong vùng 1.200-1.300 đểm. Những ngày tháng giao dịch sôi động chưa từng có với thanh khoản cả tỷ USD cũng gần như mất hút. Giá trị khớp lệnh trên HoSE liên tục sụt giảm xuống mức thấp thấp nhất trong vòng 19 tháng, đạt chưa đến 12.000 tỷ đồng trong tháng 12/2024.

Vì thế, một số chuyên gia kỳ vọng những “bom tấn” sẽ xuất hiện trong năm 2025 cùng bước ngoặt nâng hạng sẽ đưa VN-Index lên một tầm cao mới.

Hải Giang


Tác giả: Hải Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết