A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chọn điểm đến cho dòng tiền trong lạm phát

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ những sự kiện và tin tức không tốt từ đầu năm 2022 đến nay, đầu tư vào đâu luôn là câu hỏi lớn.

Câu hỏi này càng được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm trong thời điểm cuối năm 2022 và năm tới. Đây cũng là nội dung tại buổi Tọa đàm đầu tư ‘‘Dòng tiền’’ vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, do Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) tổ chức cùng với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế Tài chính…

Kinh tế Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát

Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam tuy vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ do áp lực giá xăng tăng giai đoạn đầu năm và tình hình lạm phát từ Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu, nhưng vẫn có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4% và dự báo đạt trên 7% trong năm 2022, với các chỉ số FDI, xuất khẩu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là lạm phát vẫn được kiểm soát tốt dự kiến 4% trong năm nay trong khi lạm phát toàn cầu ở mức 7,3%. Việc kiểm soát tỷ giá của Việt Nam cũng khá tốt, đồng Việt Nam mất giá khoảng 3,6%, thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Hay thị trường chứng khoán cũng có nhiều biến động trong những tháng qua, do tác động của tin tức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bloomberg, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay với mức dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu của thị trường là 19,89% trong năm 2022. Đặc biệt, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) đang được xem là đang ở trong vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, là nền tảng cho 2023 kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ổn định…

Tuy nhiên, đứng trước lo ngại lãi suất tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây có ảnh hưởng thế nào đến môi trường đầu tư?; ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Đầu tư Cấp cao Manulife Investment phân tích: Khi lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào những kênh rủi ro điều đó làm giảm dòng tiền. Về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng, làm giảm lợi nhuận buộc các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng ở hướng tích cực về tổng thể, môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.

Nhiều cơ hội lựa chọn kênh đầu tư

Vậy nhà đầu tư cần lưu ý gì và dựa vào những yếu tố gì để “dòng tiền” đầu tư hiệu quả trong thời điểm nhiều biến động hiện nay? Trả lời câu hỏi này, ông Hải phân tích một công thức đầu tư phổ biến là “thời gian đầu tư trong thị trường quan trọng hơn việc cố gắng lựa chọn thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường”.

Điều này này phản ánh việc giá trị không được sinh ra từ những hoạt động giao dịch. Vì nếu các nhà đầu tư giao dịch càng nhiều càng tốn chi phí thuế và phí nên hiệu quả sẽ không cao bằng việc lựa chọn những cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư lâu dài. Nhìn vào sự gia tăng tài sản của các chủ doanh nghiệp chúng ta sẽ thấy, những người chủ doanh nghiệp tích lũy được tài sản lớn thường là những người ít giao dịch và chỉ tập trung vào việc phát triển kinh doanh để mang lại giá trị lâu dài.

Phân tích việc phân bổ dòng tiền và lựa chọn các kênh đầu tư nên dựa trên những yếu tố nào để hiệu quả nhất, bà Trần Thị Kim Cương, CEO Quỹ Manulife Invetsment cho rằng: Mỗi loại hình đầu tư hay mỗi kênh đầu tư có đặc điểm về tỷ suất sinh lời và rủi ro khác nhau.Nhà đầu tư hiệu quả nhất là những người có tầm nhìn dài hạn. Nhà đầu tư dài hạn luôn là người chiến thắng. Đơn cử như thị trường chứng khoán Việt Nam, nhìn ngắn hạn rất biến động, lúc lên 35%, lúc xuống 20% nhưng nếu nhìn dài hạn từ lúc bắt đầu thị trường VN-Index là 100 điểm, sau 21 năm hiện là 1.200 điểm, tăng 12 lần sau 21 năm. Nhìn những công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường thì chúng ta cũng thấy sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty này trong vòng 10-15 năm qua.

Về phân bổ tài sản, theo bà Kim Cương, tùy theo độ tuổi, tổng tài sản tích lũy của nhà đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư mà phân bổ tài sản, nhưng với một nguyên tắc phân bổ đầu tư nhiều kênh khác nhau và nên lựa chọn cách đầu tư dài hạn sinh lời bền vững. Vì trong vòng 15-20 năm tới nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tốt và các công ty trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư vào các công ty tốt thì tài sản của họ sẽ tăng trưởng theo. Hoặc hiện trên thị trường đang có công cụ quỹ mở giúp các các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các công ty này một cách dễ dàng. Với một số tiền hạn chế nhưng nhà đầu tư vẫn có thể đầu tư vào 1 danh mục 30 - 40 công ty hàng đầu và có các chuyên gia đầu tư của Quỹ quản lý giúp nhà đầu tư.

Ở góc độ cá nhân, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, các nhà đầu tư nên đầu tư vào kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh, chế biến nông sản..., vì đây là những lãnh vực có xu hướng chuyển dịch nhanh, phát triển bền vững, mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường.


Tác giả: Theo Phương Nhi/diendandoanhnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan