Chính sách tài khóa vực dậy niềm tin kinh doanh, tạo đà kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh, trong gần 3 năm vừa qua, chính sách tài khóa góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Phóng viên: Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, hàng loạt chính sách tài khóa đã được ban hành liên tiếp, gối đầu để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công cụ tài khóa trong giai đoạn phòng, chống dịch và giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển hậu COVID-19?
TS. Lê Duy Bình: Nhìn lại cách đây gần 3 năm, khi dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến nhanh và khó lường, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, rơi vào tình trạng khủng hoảng kép về kinh tế và y tế. Tuy nhiên, Việt Nam tại thời điểm đó được đánh giá như là một điểm sáng của thế giới khi thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Các gói hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ, thông qua chính sách tài khóa đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời trong đại dịch, giúp nền kinh tế từng bước phục hồi. Có thể nói, chính sách tài khóa trong năm qua đã thể hiện rõ vai trò trụ cột và quan trọng trong việc điều hành kinh tế của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Trong giai đoạn đầu chống dịch, chính sách tài khóa chủ yếu thiên về hỗ trợ, "giảm đau" cho nền kinh tế, tiếp sức cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính và cải thiện thanh khoản.
Các giải pháp được triển khai từ chính sách tài khóa đều thiết thực vì hướng đến mục tiêu gia tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong bối cảnh bất thường như tăng chi ngân sách cho việc phòng và chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, chi trợ cấp cho người lao động, giảm thuế, phí và tiền thuế đất cho các doanh nghiệp…
Bắt đầu sang năm 2022, khi dịch bệnh có tín hiệu thuyên giảm, chính sách tài khóa chuyển hướng khỏi tình trạng cứu trợ khẩn cấp sang một nhiệm vụ lớn hơn, đó là vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vừa phải duy trì năng lực cho nền kinh tế, nâng cao khả năng tăng trưởng.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính sách tài khóa đã thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ của mình tương đối hiệu quả, trên nền tảng đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô trước áp lực lạm phát, suy thoái kinh tế do những căng thẳng trên thế giới. Từ đó vực lại niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Phóng viên: Khá nhiều ý kiến đánh giá cao phản ứng của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc điều hành và thiết kế các chính sách tài khóa. Còn ý kiến của ông thì sao, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Qua những kết quả đạt được, có thể nói rằng, phản ứng của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc điều hành các chính sách tài khóa thời gian vừa qua là rất linh hoạt, kịp thời, tập trung trọng điểm, phù hợp với những diễn biến trên thị trường và trong nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng các chính sách tài khóa dựa trên sự lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Một loạt giải pháp hỗ trợ được triển khai như: hoãn, miễn nhiều loại thuế, phí, trợ cấp người lao động tự do, mất việc làm… cũng như nhiều giải pháp để cân đối ngân sách Nhà nước.
Tất nhiên, COVID-19 là tiền lệ chưa từng có, nên sẽ khó tránh khỏi một vài bất cập, nhưng ngay lập tức những chính sách đó đã được sửa đổi, bổ sung đề hoàn thiện và phù hợp hơn. Vì vậy, tôi cho rằng các giải pháp về cơ bản khá là bám sát yêu cầu và nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Phóng viên: Là người đóng góp nhiều ý kiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, ông có nhận xét gì về các chính sách hỗ trợ tài chính vừa qua đối với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa?
TS. Lê Duy Bình: Các chính sách tài khóa nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghệp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính qua các chính sách tài khóa đã ban hành.
Hầu hết các chính sách hỗ trợ dựa trên nguyên tắc công bằng, làm thế nào để đến được với phần lớn các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số đông trong nền kinh tế, với hơn 90% tổng số doanh nghiệp, nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Như vậy, nếu đánh giá tổng thể các chính sách tài khóa, có rất nhiều chính sách đến được với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hầu hết các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ đánh giá cao về tính hữu ích của chính sách tài khóa, nhất là các chính sách về giảm hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm và hoãn thuế giá trị gia tăng, hoãn tiền thuê đất và các loại phí khác.
Tuy nhiên, một số chính sách mang tính lựa chọn người hưởng lợi như giải pháp cấp bù lãi suất vẫn có ý kiến trái chiều, cho rằng chưa đủ tích cực. Tôi tin rằng, với tinh thần lắng nghe và cầu thị, Bộ Tài chính sẽ có bước đi phù hợp hơn với thực tiễn.
Phóng viên: Có thể nói, đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu kép kiểm soát COVID-19 và phục hồi kinh tế. Đây chính là “thời điểm vàng” để tiếp tục thực hiện chương trình với quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa với quy mô hơn 290.000 tỷ đồng tương đường 83% tổng gói hỗ trợ được cho là chìa khóa để thực hiện thành công chương trình này. Theo ông, quy mô của chính sách hỗ trợ đó có phù hợp với vị thế tài khóa của Việt Nam?
TS. Lê Duy Bình: Tôi muốn nhấn mạnh lại là con số trên không dành cho một năm, mà dài hơn hơn. Thời gian hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế là 2 năm (2022-2023), nên đòi hỏi quy mô lớn. Trong đó, một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực tùy theo diễn biến thực tế.
Phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ rất quan trọng sau khủng hoảng do dịch bệnh. Do đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này là hết sức quan trọng để không làm lỡ nhịp phục hồi, cũng như ổn định kinh tế trong trung và dài hạn.
Các gói hỗ trợ tài khóa được áp dụng hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Theo đó, các gói hỗ trợ này hoàn toàn phù hợp lợi ích kinh tế, nằm trong khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước hiện nay.
Điều quan trọng nhất là áp dụng sao cho hiệu quả, giải ngân các gói hỗ trợ này như thế nào, theo liều lượng và trình tự ra sao, giải ngân vào thời điểm nào để không tạo sức ép đối với giá cả hàng hóa. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cũng như sự chia lửa của chính sách tiền tệ để tránh sơ suất.
Phóng viên: Để đối phó với khủng hoảng, suy thoái, nhiều các quốc gia sử dụng chính sách tài khóa như một công cụ để giảm áp lực tài chính ngắn hạn, cân bằng vĩ mô của nền kinh tế. Ông có so sánh gì về cách thức ứng phó của Việt Nam so với một số quốc gia khác trên thế giới?
TS. Lê Duy Bình: Ứng phó với dịch COVID-19, các quốc gia đều thực hiện đồng thời nhiều chính sách khác nhau, liên tiếp tung ra các gói hỗ trợ, kích cầu với quy mô lớn và đồng loạt triển khai các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Thông thường, biện pháp đầu tiên được áp dụng có tác động nhanh và ngay lập tức là chính sách tài khóa. Việt Nam cũng giống các nước khác, ưu tiên chính sách tài khóa để hỗ trợ khẩn cấp trong thời gian dịch bệnh.
Cách chính sách tài khóa của Việt Nam cho thấy sự phản ứng nhanh và đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài Chính trong việc khống chế dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô có thể không lớn bằng một số quốc gia có tiềm lực mạnh, nhưng thể hiện nỗ lực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cân đối vĩ mô. Và các tổ chức quốc tế đều đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam, cũng như vai trò của các chính sách tài khóa được ban hành.
Phóng viên: Ông có đề xuất gì đối với các công cụ tài khóa giai đoạn hiện tại, khi mà áp lực lạm phát thì đang hiện hữu và ngân sách Nhà nước thì hữu hạn?
TS. Lê Duy Bình: Dịch bệnh COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các chính sách tài khóa hiện nay chủ yếu tập trung cho việc hồi phục và phát triển kinh tế, đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn. Đây là bài toán khó và cần có những tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng, bởi nguồn lực tài chính là hữu hạn.
Như vậy, chúng ta phải sử dụng nguồn lực đó như thế nào một cách hiệu quả nhất. Các nhà hoạch định chính sách cần xác định gói hỗ trợ nào khả thi, gói nào không giải ngân được hoặc tính hiệu quả không cao. Với những giải pháp không còn mang tính thời sự, tính cấp bách thì có thể tái phân bổ nguồn lực đó sang hoạt động hỗ trợ khác, có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, kế hoạch giải ngân vốn thông qua chính sách tài khóa cần được thúc đẩy nhanh hơn đến những dự án mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. Chính sách tài khóa cần được phối hợp với chính sách tiền tệ để có biện pháp, tiến độ giải ngân nhịp nhàng, không tạo ra căng thẳng không cần thiết trên thị trường, đặc biệt là về nguồn cung tiền ra trên thị trường, từ đó giảm bớt áp lực đối với chỉ số giá tiêu dùng hiện nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!