A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cạnh tranh FDI gia tăng từ nội khối

Ngoài xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở về chính quốc khi mà nhiều NHTW lớn đang tăng mạnh lãi suất, thời gian qua một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang gia tăng lợi thế cạnh tranh đáng kể với Việt Nam về thu hút vốn ngoại.

Nhiều đối thủ đang nổi lên

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2015-2021, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất khu vực ASEAN, sau Singapore và Indonesia. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã tăng 1,32 lần sau 7 năm. Tuy nhiên một số quốc gia còn có mức tăng cao hơn, như Campuchia (gấp 1,92 lần), Philippines (gấp 1,86 lần), Sinagapore (gấp 1,42 lần). Bên cạnh đó, khoảng cách về số vốn thu hút được giữa Việt Nam và 2 quốc gia ở vị trí đầu bảng là khá xa (hơn 20 tỷ USD so với hơn 40 tỷ USD); trong khi lại khá gần so với ba quốc gia đứng sau là Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Hiện trong khu vực, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất và cũng thu hút FDI mạnh nhất. Theo đó, nước này thu hút 45,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022, tăng 44,2% so với năm 2021 và là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái.

canh tranh fdi gia tang tu noi khoi
Các quốc gia láng giềng đang gia tăng lợi thế cạnh tranh đáng kể với Việt Nam về thu hút vốn ngoại

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường kinh doanh Việt Nam ở hai yếu tố hấp dẫn hàng đầu là tính tăng trưởng của thị trường và quy mô thị trường hiện tại. Tuy nhiên ở cả 2 yếu tố này, Việt Nam đều đang có điểm số thấp hơn so với Indonesia. Điều này là dễ hiểu nếu nhìn vào thực tế là thị trường nội địa của Việt Nam tuy đang tăng trưởng mạnh mẽ, song quy mô chỉ bằng 1/3 so với Indonesia.

Khảo sát do Jetro thực hiện trong năm 2022 chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng chức năng bán hàng nội địa đã tăng lên khá nhanh. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đánh giá khả năng khai thác thị trường nội địa là một điểm mạnh của quốc gia tiếp nhận đầu tư. “Sắp tới Việt Nam sẽ được đưa ra để so sánh với Indonesia nhiều hơn trên bàn cân về sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Matsumoto Nobuyuki lưu ý.

Về thách thức, rủi ro đối với hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá hai yếu tố tương đồng nhiều nhất là tiền lương nhân viên tăng, chi phí tăng cao. Tính hiệu quả của các thủ tục hành chính, thủ tục thuế, hay sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật (liên quan tới ưu đãi đầu tư nước ngoài) của hai quốc gia đều hạn chế.

Đáng chú ý là trong khu vực châu Á, một số đối thủ khác đang nổi lên mạnh mẽ trong cuộc đua thu hút FDI, mặc dù con số tuyệt đối hiện tại không nằm ở top đầu. Đó là Ấn Độ và Bangladesh. Khảo sát do Jetro thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới cao nhất khu vực ASEAN; tuy nhiên trong khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 3 sau Ấn Độ và Bangladesh.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Mặc dù các khảo sát thực hiện trong cộng đồng doanh nghiệp các nước có đầu tư FDI tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mở rộng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài liên tục duy trì ở mức cao, song cần lưu ý tới sự cải thiện năng lực cạnh tranh của các quốc gia láng giềng cũng liên tục duy trì. Trong bối cảnh đó, các hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài khuyến nghị, để cạnh tranh với các quốc gia cùng khối thì Việt Nam cần cải thiện nhiều yếu tố.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay, ba rào cản về pháp lý lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được xác định là thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%), rắc rối hành chính (41%), và khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (30%). Các rào cản này gây ra lãng phí thời gian và chi phí trong thủ tục, cản trở đầu tư mới. Vì vậy phải có giải pháp để việc dự báo chính sách được thực hiện tốt hơn, từ đó tăng tính hiệu quả trong ra quyết định đầu tư, như vậy sẽ gia tăng tính cạnh tranh thu hút FDI với chính các quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc nêu quan ngại lớn nhất là lương lao động và chi phí tăng nhanh. Theo đó, nếu năng suất lao động tăng tương ứng với tốc độ tăng chi phí thì đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên do năng suất không tăng cao tương ứng, khiến các doanh nghiệp lo ngại chi phí lao động tăng cao làm ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Nếu tình trạng này chậm cải thiện, doanh nghiệp cho rằng họ sẽ cân nhắc chuyển sang các thị trường có chi phí cạnh tranh hơn như Bangladesh.

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, có 3 yêu cầu mà nhà đầu tư nước ngoài cần, nhưng chúng ta chưa giải quyết được. Thứ nhất, mặc dù Chính phủ luôn có ý thức và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nhưng khâu thực thi lại chưa theo kịp. Bởi vậy, chúng ta chưa có một thể chế hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, ổn định như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Mại lưu ý thực tế là Việt Nam chưa đón được nhiều dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. Đó là bởi nhà đầu tư dừng sản xuất ở Trung Quốc để chuyển đi thì phải tiến hành thủ tục thật nhanh, nhưng nếu phải mất tới 1-2 năm để làm thủ tục thì họ sẽ mất đơn hàng. Do thủ tục hành chính ở Việt Nam chậm, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc rót vốn sang các quốc gia đang đẩy mạnh cải cách thủ tục. Ông Mại dẫn chứng Indonesia cho phép dự án có quy mô tối thiểu 70 triệu USD, tạo được 300 việc làm sẽ cấp phép trong một ngày. Hoặc Ấn Độ không có Luật riêng về thu hút FDI mà tuỳ theo từng năm sẽ ban hành kế hoạch thu hút vốn ngoại nhắm vào những đối tượng rất cụ thể, và đặt ra chính sách ưu đãi, cấp phép nhanh chóng.

Vấn đề thứ hai được GS. Nguyễn Mại đề cập là sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn là một điểm yếu. Điều này gây cản trở đối với việc thu hút dòng vốn chất lượng cao từ các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu.

Vấn đề thứ ba là tham nhũng chưa được giải quyết triệt để, gây ra sự chậm trễ trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang làm khó các nhà đầu tư bằng các thủ tục nhiêu khê, bằng các chi phí không chính thức… “Cần quan tâm hơn nữa cải cách môi trường đầu tư, làm sao thủ tục đơn giản, minh bạch, tiên liệu được và thống nhất cách hiểu từ trên xuống dưới”, ông Mại khuyến nghị.

Đức Ngọc

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan