Cần minh bạch các quy định về hậu kiểm trong chính sách hỗ trợ lãi suất
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã,… VCCI cho rằng, cần minh bạch các quy định về hậu kiểm…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 9154/NHNN-TD ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Dự thảo).
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI cho rằng, tại Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về Thông tư 03/2022/TT-NHNN, cơ quan soạn thảo đưa ra ba khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, gồm: khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”; và một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định mới chỉ xử lý vấn đề thứ hai về quy định rõ điều kiện “có khả năng phục hồi”, hai vấn đề còn lại chưa có biện pháp giải quyết.
Cụ thể, đối với các quy định về hậu kiểm, theo VCCI, vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định 31/2022 chưa thực sự rõ ràng. Nghị định này mới chỉ quy định theo hướng Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất, tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
>> “Giữ việc” cho người lao động
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung đối với các quy định về hậu kiểm - Ảnh minh họa: LĐ
Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng hoạt động kiểm tra tại Nghị định này không gây chi phí quá mức một cách không cần thiết cho doanh nghiệp. Nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung như:
Quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ Công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng;
Hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ Công tác được tiến hành chủ yếu tại các ngân hàng thương mại. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, VCCI cho rằng, hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31/2022 hiện đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất.
“Quy định này vô hình chung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay”, VCCI góp ý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.