A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tài chính: Năm 2021, Việt Nam ký kết 12 hiệp định đối tác công trị giá 1 tỷ USD

Tại Hội nghị Nhóm đối tác tài chính công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2021 đã có 12 hiệp định, thỏa thuận với tổng số vốn cam kết khoảng 1 tỷ USD.

Hội nghị Nhóm đối tác tài chính công được tổ chức ngày 21/1/2022,  do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì.

Toàn cảnh Hội nghị nhóm đối tác Tài chính công. Ảnh: MOF

Tham dự Hội nghị có khoảng 60 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế/đối tác phát triển trong lĩnh vực quản lý tài chính công (WB, ADB, EU, IMF, JICA, USAID,...), Đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác tài chính song phương với Bộ Tài chính (Nhật Bản, Canada, Đức...) và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiều năm qua, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và các nhà tài trợ đã đóng góp tích cực và thiết thực vào các đột phá chiến lược của ngành tài chính như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính công, đổi mới các quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành tài chính và tăng cường năng lực cán bộ ngành tài chính. “Tôi trân trọng ghi nhận tất cả những hỗ trợ, đóng góp quý báu mà các đối tác phát triển và các nhà tài trợ đã dành cho Bộ Tài chính thời gian qua” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cải cách tài chính công, đặc biệt là cải cách thể chế tài chính, hiện đại hóa ngành tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững.

Hoàn thiện chính sách trong quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính  công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MOF

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chia sẻ một số thông tin về thực hiện chính sách tài khóa và định hướng về quan hệ hợp tác phát triển giữa Bộ Tài chính và các nhà tài trợ. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong công tác phòng chống dịch đồng thời phát triển kinh tế với chủ trương thích ứng phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Kết quả kinh tế năm 2021 đã đạt được khá tích cực với tăng trưởng GDP là 2,58%, lạm phát là 1,84%, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về việc phối kết hợp với các nhà tài trợ trong việc thực hiện chính sách tài khóa và hỗ trợ cải cách quản lý tài chính công, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, trong năm 2021, cũng như thời gian trước đây, Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các nhà tài trợ trong việc đàm phán, ký kết, triển khải các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Riêng trong năm 2021 đã có 12 hiệp định, thỏa thuận với tổng số vốn cam kết khoảng 1 tỷ USD, bên cạnh đó còn 11 khoản vay đang tiếp tục hoàn thiện để ký kết.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây (2020-2021) đạt tỷ lệ thấp, một mặt do công tác chuẩn bị, triển khai dự án của các bộ, ngành, địa phương còn chậm, mặt khác do thủ tục giải ngân vốn còn phức tạp, các công việc phải lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ, bên cạnh đó do ảnh hưởng của Covid-19 nên các chuyên gia không sang được Việt Nam, việc nhập thiết bị cho dự án có khó khăn.

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với nhà tài trợ để tháo gỡ; đồng thời Bộ Tài chính đề nghị nhà tài trợ xem xét hài hòa thủ tục để tiếp cận với thủ tục trong nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện song phải đảm bảo chặt chẽ.

Về hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương trong lĩnh vực tài chính: EU, Thụy Sĩ, Canada, Nhật Bản, Đức, WB. Các chương trình, dự án nói trên đã hỗ trợ cho Bộ Tài chính hoàn thiện chính sách, thủ tục cũng như nâng cao năng lực cán bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng với những nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm cải thiện hiệu quả đối thoại chính sách và phối hợp với Cộng đồng Đối tác Phát triển. Bà Carolyn Turk cũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục quan hệ hợp tác chặt chẽ của chúng ta nhằm hỗ trợ cho những cải cách quản lý tài chính công thế hệ mới để hỗ trợ Việt Nam phục hồi xanh, bao trùm và có khả năng chống chịu qua đại dịch cũng như trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia”.

Hội nghị cũng lắng nghe nhiều ý kiến của đại diện các đối tác tài chính công đánh giá lại kết quả hợp tác với Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính công thời gian qua. Các đối tác cũng đã đưa ra kiến nghị các giải pháp chính sách tài khóa thời gian tới và khuyến nghị các khả năng hợp tác trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên quan trọng của ngành tài chính đến 2030.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận và cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp của các đối tác tài chính công. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu thấu đáo các ý kiến này để kịp thời đưa ra những tham mưu chính sách với Chính phủ và thực hiện hiệu quả công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan