Bộ Tài chính đổi mới giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa
Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa. Việc đổi mới được thực hiện theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công chức số, công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền Tài chính số.
Đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính
Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu và ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính xác định việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi mặt công tác là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác giải quyết TTHC và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC nhằm tạo chuyển biến trong mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của cải cách hành chính trong giai đoạn 2021-2030 là phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong tất cả các cơ quan nhà nước thì còn không ít thách thức, khó khăn đối với ngành Tài chính như: việc số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) hầu như còn độc lập với quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; kết quả số hóa chưa gắn liền, đảm bảo thực chất cho việc nâng cao chất lượng phục vụ, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tăng năng suất lao động trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; chất lượng phục vụ của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; chưa hình thành được cơ chế giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC đồng bộ...
Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã xác định một trong 11 giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực tài chính để xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia; Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực tài chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Đồng thời, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu TTHC và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính và Cổng dịch vụ công quốc gia; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách TTHC nhằm cải thiện các chỉ số thuộc lĩnh vực tài chính trong đánh giá, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trước bối cảnh nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án đổi mới việc thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa của Bộ Tài chính, Đề án được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ cụ thể hóa chiến lược, giải pháp, nhiệm vụ về thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ, tạo cơ sở hình thành công chức điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, thúc đẩy thực hiện thành công việc xây dựng nền Tài chính số, góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030.
Phấn đấu thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút
Đề án đổi mới việc thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa của Bộ Tài chính hướng đến mục tiêu đổi mới việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa của Bộ Tài chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công chức số, công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền Tài chính số.
Đối với người dân, doanh nghiệp, Đề án đặt mục tiêu sẽ định danh số thống nhất trên môi trường điện tử trong các hoạt động giao tiếp với Bộ Tài chính trên cơ sở mã số định danh của cá nhân, doanh nghiệp; Được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; Được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo nhiều phương thức cá thể hóa phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thực hiện.
Người dân, doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục kiểm tra, xác nhận hoặc cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ, thông tin, kết quả giải quyết đã được số hóa theo quy định; Được trả và công nhận tính pháp lý của kết quả giải quyết TTHC ký số trong tất cả các giao dịch với Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính (BPMC); Được giám sát, đánh giá, phản hồi trực tuyến quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC của các cơ quan nhà nước.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ phận Một cửa đặt tại trụ sở Bộ Tài chính trở thành điểm đầu vào của quy trình tiếp nhận, số hóa TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Tài chính theo Quyết định công bố Danh mục TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa tại Bộ Tài chính; đồng thời là nơi sử dụng kết quả số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, trình tự, TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính (Hệ thống MCĐT) được hợp nhất với Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính và được kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo sự điều phối, tổ chức theo mô hình thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Đề án cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, phấn đấu tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết TTHC thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025. Phấn đấu mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính đạt tối thiểu 95% vào năm 2030...
Đề án đã nêu rõ các nội dung cụ thể cần triển khai gồm: Ứng dụng CNTT trong đổi mới việc thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa của Bộ Tài chính; Quy trình nghiệp vụ tại Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính khi tiếp nhận hồ sơ.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC. Một trong những nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa của Bộ Tài chính là lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thực hiện TTHC.
Có thể thấy, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt cải cách hành chính, trong đó có giải quyết TTHC để phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, là cơ quan luôn thuộc top đầu khối các bộ ngành về cải cách hành chính.