Bitcoin nhắm mốc 30.000 USD/BTC
Bitcoin (BTC) đã bắt đầu động thái tăng giá và kéo toàn bộ thị trường tiền điện tử khỏi mức nền thấp, khi đã tăng 26% ngay trong tháng 1. Hiện Bitcoin đang giao dịch quanh mốc 21.000 USD/BTC.
Theo Coinpedia, nhà phân tích Kaleo cho rằng, Bitcoin đã sẵn sàng cho một đợt siết chặt ngắn hạn để tạo lực đẩy giá trị đồng tiền lên một tầm cao mới. Đồng tiền này có thể đang chuẩn bị cho mức tăng trên 30.000 USD/BTC, đây sẽ là mức giá cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Bitcoin đang giao dịch quanh mốc 21.000 USD/BTC vào ngày 18/1
Ông khẳng định, vùng giá 30.000 USD sẽ là một thỏi nam châm. Mặc dù đang lạc quan về Bitcoin, nhưng nhà phân tích cũng cho rằng, sẽ khá gập ghềnh để đạt được mốc này. “Trước khi nhìn thấy BTC cán mốc, chúng ta sẽ thấy nó giảm giá xuống dưới 20.000 USD vì thị trường cần một chút tích luỹ để mức giá mục tiêu đến sớm”.
Thực tế kể từ tuần trước, giá Bitcoin đã bước vào những nhịp tăng liên tiếp mặc dù còn chậm chạp và đạt mức cao nhất là 21.536 USD/BTC trước khi giảm trở lại mức hỗ trợ gần 21.200 USD.
Theo số liệu thống kê từ công ty phân tích tiền điện tử Glassnode, số lượng giao dịch được ghi lại trên chuỗi khối Bitcoin đã tăng lên trên 300.000 vào ngày 14/1, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Nhờ hoạt động này gia tăng đã khiến giá của tiền điện tử cải thiện. Thông thường, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác hoạt động tốt khi nền kinh tế tích cực và khi có những cơn gió ngược về kinh tế vĩ mô.
Trên thị trường, những người đầu cơ giá lên hiện có vẻ đang ở một vị thế tốt, do đó xu hướng tăng được cho là sẽ tiếp tục. Một trong những nhà phân tích nổi tiếng – IncomeSharks đã so sánh đợt tăng giá hiện tại với đợt tăng giá năm 2019 và suy đoán giá BTC có thể đánh dấu mức cao mới cho năm 2023 vào khoảng 30.000 - 35.000 USD.
Nhà phân tích cũng nói thêm: “Giá BTC có thể phải đối mặt với sự từ chối rất lớn từ các mức này, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2019. Bên cạnh đó, sự thống trị của BTC đang giảm so với các altcoin trong trung hạn. Do đó, phần lớn các altcoin được cho là hoạt động tốt hơn mà không gây ra bất kỳ lùm xùm nào. Tuy nhiên, nếu sự thống trị phục hồi, thị trường có thể chứng kiến sự đảo ngược xu hướng lớn, trong đó các altcoin có thể bước vào giai đoạn tích lũy lâu dài khi Bitcoin bùng nổ trở lại”.
>> Bitcoin liệu đã gần kề đáy?
Những gì diễn ra trên thị trường tiền điện tử trong thời gian qua đã cho thấy đây là một thị trường có mức độ rủi ro lớn và chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan. Chính vì sự sụt giảm nặng nề cũng như mất niềm tin lan rộng đã khiến nhiều sàn giao dịch sụp đổ do mất thanh khoản. Mới đây nhất, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Hoa Kỳ - Coinbase (COIN) đã phải tuyên bố tạm dừng hoạt động tại Nhật Bản với lý do là "điều kiện thị trường".
Đồng thời Coinbase cũng thông báo khách hàng của họ có thời hạn đến ngày 16/2 để rút tiền pháp định và tiền điện tử đang nắm giữ khỏi sàn giao dịch, tiền gửi Fiat sẽ bị tạm dừng vào ngày 20/1.
Với “mùa đông tiền điện tử” ngày càng khó khăn hơn vào cuối năm 2022 sau sự sụp đổ của FTX, các công ty tiền điện tử đã điều chỉnh lại mô hình kinh doanh của họ để thích ứng với các điều kiện. Coinbase cũng đã cắt giảm 950 nhân sự (khoảng 20%) lực lượng lao động của mình như một phần của quá trình tái cấu trúc.
Trước động thái trên, Phó Tổng Giám đốc Mamoru Yanase tại Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản đã kêu gọi kiểm soát nhiều hơn trên toàn thế giới đối với lĩnh vực tiền điện tử. Theo ông, trao đổi tiền điện tử cần phải được quy định giống như các tổ chức tài chính truyền thống.
Phó Giám đốc FSA Nhật Bản lập luận thêm rằng, các nhà chức trách có thể tránh sự sụp đổ của một nền tảng tiền điện tử bằng cách đối xử với họ như các ngân hàng. Ông cũng đề cập đến sự thất bại của FTX, tuyên bố rằng toàn bộ ngành đã bị phá hủy bởi sự phá sản của công ty và các cáo buộc gian lận đối với Sam Bankman-Fried – CEO FTX.
“Các cơ quan chức năng toàn cầu nên thực hiện luật chống rửa tiền chặt chẽ hơn, áp dụng quản trị chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh tiền điện tử, đồng thời tiến hành kiểm toán, kiểm soát nội bộ để bảo vệ khách hàng của họ tốt hơn. Đây sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Điều gây ra vụ bê bối mới nhất không phải do công nghệ tiền điện tử. Đó là quản trị lỏng lẻo, kiểm soát nội bộ lỏng lẻo và thiếu các quy định. Tôi tin rằng, những nơi đầu tiên triển khai hệ thống giám sát, phải là các quốc gia và hòn đảo đã được coi là trung tâm của công nghệ chuỗi khối”, ông nhấn mạnh.