Bắt đầu việc phá sản Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 220/NQ-CP trong đó có nhiệm vụ thực hiện quy trình phá sản Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC, tiền thân là Vinashin), Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành các bước để thực hiện quy trình phá sản này.
Tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc phá sản SBIC là điều không thể tránh khỏi, việc phá sản sẽ tốt cho các công ty con hoạt động hiệu quả, để xoá bỏ trách nhiệm với các khoản nợ cũ. Thực tế, một số công ty đóng tàu thuộc SBIC hoạt động rất tốt, hằng năm vẫn có lãi, nhưng số tiền kiếm được không đủ để trả lãi vay, trả nợ các khoản vay cũ từ thời kỳ Vinashin để lại.
Sau phá sản, nguồn tiền thu được từ thanh lý công ty, tài sản sẽ dùng theo quy định pháp luật về phá sản như dùng trả nợ, trả lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn còn tồn từ thời Vinashin để lại.
Ngay đầu năm, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang (phụ trách lĩnh vực hàng hải) đã tổ chức đoàn công tác làm việc với công ty mẹ - SBIC và các công ty thành viên trải dài trên khắp cả nước.
Bộ GTVT đang hoàn thiện kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm xác định lộ trình, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT trong tiến trình phá sản SBIC. Mục tiêu theo Nghị quyết 220 là thu hồi tối đa vốn và tài sản; hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước phải đúng quy định pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Làm việc với các đơn vị thành viên của SBIC, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, phá sản SBIC thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới. Thực hiện xong phá sản sẽ mở ra cơ hội cho các công ty đóng tàu thành viên SBIC bước sang giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội để phát triển. Sau phá sản, chủ doanh nghiệp mới không phải gánh hay chịu ràng buộc từ các khoản nợ cũ, sẽ có điều kiện chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo hiệu quả hơn.
“Chúng ta có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và xúc tiến việc triển khai các quy trình thủ tục để nộp đơn mở thủ tục phá sản ra toà án có thẩm quyền”, ông Sang nói với các lãnh đạo đơn vị thành viên SBIC.
Theo lộ trình, SBIC sẽ sớm kiện toàn bộ máy nhân sự, rà soát lại các khó khăn, vướng mắc để phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ GTVT tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho các công ty thành viên làm thủ tục phá sản. Trong quá trình trên, các công ty thành viên SBIC phải tuân thủ quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường, giảm thiếu tổn thất tiền và tài sản tiền của Nhà nước; đảm bảo công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; quan tâm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động; cơ chế kiểm tra, giám sát phải đảm bảo chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện…
Về phần người lao động, ông Sang cho hay, phá sản SBIC để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi sinh, tổ chức lại hoạt động. Do đó, dù ai làm chủ vẫn rất cần đến đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động có kinh nghiệm tại các đơn vị đang có.
Theo quy trình, các đơn vị thành viên và SBIC sẽ nộp thủ tục phá sản lên toà án, khi toà mở hồ sơ và tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản, các nghĩa vụ, ưu tiên thanh toán sẽ được thực hiện theo phán quyết của tòa. Trong quá trình này, các đơn vị đang hoạt động, có các hợp đồng vẫn thực hiện bình thường.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi SBIC yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng của từng doanh nghiệp; tổng hợp hồ sơ, tài liệu và xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng doanh nghiệp. Các đơn vị dự kiến chịu tác động gồm: Công ty mẹ - SBIC; các công ty con (7 công ty); và 147 doanh nghiệp, đơn vị thành viên của Vinashin trước đây chưa hoàn thành tái cơ cấu.
Theo Nghị quyết 220, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm không thuộc diện phá sản do không có nợ xấu, hoạt động hiệu quả. Các đơn vị còn lại của SBIC phải thực hiện phá sản, dù bị âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu, nhưng đều có quỹ đất lớn, tài sản giá trị và có hợp đồng sửa, đóng tàu.
Tại nghị quyết này, Bộ GTVT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các tòa án có liên quan để đẩy nhanh tiến độ phá sản SBIC.
SBIC thành lập năm 2013, trên cơ sở sắp xếp, tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin . Vốn điều lệ thời điểm đó của SBIC trên 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, SBIC phải gánh khoản nợ do Vinashin để lại trên 4 tỷ USD cả trong và ngoài nước.
SBIC có 8 công ty con, gồm: Đóng tàu Phà Rừng; Đóng tàu Bạch Đằng; Đóng tàu Hạ Long; Đóng tàu Thịnh Long; Đóng tàu Cam Ranh; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn; Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong