Bất cập nguồn cung xăng đầu: Chờ thời lên giá hay quản lý yếu kém?
Chuyên gia cho rằng ngoài yếu tố cung cầu thị trường thì chính sách điều hành xăng dầu hiện nay còn chậm so với diễn biến của thị trường thế giới.
Giá xăng dầu trong nước tăng theo thế giới
Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa đưa ra quyết định điều hành giá xăng dầu kể từ 15h ngày 11/2/2022. Cụ thể, theo Bộ Công thương, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/1/2022 đến kỳ điều hành ngày 11/2/2022, như sau: giá chính thức sẽ là 102,419 USD/thùng xăng RON92, dùng để pha chế xăng E5RON92, tăng 6,253 USD/thùng, tương đương tăng 6,50% so với kỳ trước.
Từ 15 giờ chiều 11/2/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng mạnh ở mức gần 1000 đồng/lít.
Đối với xăng RON95 là 104,605 USD/thùng xăng RON95, tăng 6,743 USD/thùng, tương đương tăng 6,89% so với kỳ trước.
Đối với dầu diesel 0.05S 104,831 USD/thùng, tăng 6,327 USD/thùng, tương đương tăng 6,42% so với kỳ trước; Dầu hoả sẽ là 101,937 USD/thùng, tăng 5,042 USD/thùng, tương đương tăng 5,20% so với kỳ trước; Dầu mazut 180CST 3.5S 511,032 USD/tấn, tăng 26,747 USD/tấn, tương đương tăng 5,52% so với kỳ trước.
Trước những biến động trên, liên Bộ Công thương - Tài Chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: Trích lập Quỹ bình ổn với xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu mazút ở mức 300 đồng/kg; Chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Song song đó, cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít, tăng 976 đồng/lít so với giá hiện hành; Xăng RON95-III không cao hơn 25.322 đồng/lít, tăng 962 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.865 đồng/lít, tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít, tăng 958 đồng/lít; Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 17.659 đồng/kg, tăng 666 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Giải thích về những bất cập trong việc điều chỉnh giá, đại diện Bộ Công thương cho rằng, đáng lẽ giá xăng dầu đã phải điều chỉnh cách đây 10 ngày theo chu kỳ các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng được quy định tại Nghị định 95 mới có hiệu lực đầu năm nay. Tuy nhiên, do ngày 1/2 rơi đúng ngày mùng 1 tết Nguyên đán Nhâm Dần nên cơ quan quản lý không điều hành. Việc “bỏ qua” kỳ điều chỉnh giá đó khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối, thương nhân, đại lý than lỗ là nguyên nhân được cho là gốc rễ của tình trạng khan hàng, găm hàng thời gian qua.
Đáng chú ý, trước đó chia sẻ với báo chí về những bất cập liên quan đến giá xăng dầu, một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh về xăng dầu, đều cho rằng: tình hình chỉ hết căng thẳng và bình thường trở lại sẽ phụ thuộc vào phiên điều chỉnh giá ngày 11/2, cho dù nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có giảm sút. Bởi, theo các doanh nghiệp đầu mối, hiện mỗi lít xăng đang tăng trên 1.000 đồng khi giá nhập vào liên tục đi lên thời gian qua.
Việc kéo dài thời gian điều hành trong khi giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị "nén" lại và chênh cao so với thế giới.
Ở một diễn biến khác, theo ghi nhận và tổng hợp của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, cho thấy: cứ mỗi khi giá xăng chuẩn bị tăng, các cửa hàng xăng dầu tại nhiều địa phương lại treo biển “hết xăng” hoặc bán cầm chừng. Đây không phải là câu chuyện mới mẻ mà hiện tượng này đã tái diễn từ nhiều năm qua.
Ghi nhận và tổng hợp của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, cho thấy: cứ mỗi khi giá xăng chuẩn bị tăng, các cửa hàng xăng dầu tại nhiều địa phương lại treo biển “hết xăng” hoặc bán cầm chừng.
Ghi nhận của PV qua các ngày từ 7/10 và sáng 11/2 tại TP HCM, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang… cho thấy, mặc dù nhiều cây xăng vẫn còn hàng nhưng cũng vẫn "treo biển không bán" vì thiếu xăng.
Cụ thể, cây xăng trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 (TP HCM) chỉ cho khách mua ở mức 50.000 đồng. Lý do được nhân viên đưa ra là hết xăng. Đến khoảng 18h ngày 10/2, cây xăng này đóng cửa không giao dịch.
Với lý do tương tự, tại cây xăng 277 trên đường Kha Vạn Cân Thủ Đức, cửa hàng này cũng đã treo biển "tạm nghỉ". Một số cây xăng ở quận Gò Vấp, Tân Phú cho biết thiếu xăng RON 95, cho nên chỉ mở cửa bán dầu.
Thừa nhận vẫn còn một vài cây xăng ở TP HCM đang thiếu hàng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, kiểm tra chiều 10/2 có 7 cửa hàng thiếu xăng RON 95 và 2 đơn vị đang tạm ngưng để hoàn thành hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Một số cây xăng tại các địa phương cũng đóng cửa vì hết hàng, một vài cây hạn chế số lượng xăng bán ra.
Tương tự, Long An cũng có khá nhiều cây xăng đóng cửa vì hết hàng, một vài cây hạn chế số lượng xăng bán ra. Trạm xăng Bình Triệu, chiều 10/2 khách tới đổ xăng đa phần bị trả lại tiền vì nguồn hàng cung ứng không đủ. Một số cửa hàng khác chỉ bán cho khách được bằng một nửa số nhu cầu.
Tại Vĩnh Long, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Công Thương phát hiện một vài cửa hàng đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã "treo biển hết xăng". Một vài nơi khác còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau...
Tại Sóc Trăng, đoàn kiểm tra phát hiện hai trụ xăng RON 95 trong 4 trụ xăng của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) hết hàng, nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 RON 92 trong bể chứa, song cửa hàng vẫn "treo biển không bán". Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
Ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, cho rằng các lý do trên chưa thuyết phục. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản với cây xăng này và sẽ xác minh để có hình thức xử lý. Còn tại TP HCM, ông Phương cho biết, đang đề xuất xử lý các cửa hàng này nếu xảy ra sai phạm hoặc găm hàng.
Theo ông Phương, Sở đang đề nghị các cơ quan cung cấp thông tin nhập khẩu hàng hoá trong 6 tháng gần đây để báo cáo Bộ. Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đã ký quyết định kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu của các thương nhân trên địa bàn từ hôm nay đến 31/5.
Để tránh tình trạng trục lợi, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tiếp tục rà soát tại các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ này sẽ phối hợp với địa phương xem xét hình thức xử lý.
Thiếu tính linh hoạt trong điều hành?
Nhận định về tình trạng khan hiếm xăng dầu trong những ngày qua, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng: “ngoài yếu tố cung cầu thị trường còn do chính sách điều hành xăng dầu hiện nay còn chậm so với diễn biến của thị trường thế giới”.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng: Theo quy chế điều hành hiện nay là 10 ngày điều chỉnh một lần, và các doanh nghiệp đều biết về giá cả thế giới. Do đó, nếu như các biến động có xu hướng tăng lên thì dứt khoát 10 ngày sau nhà nước sẽ điều chỉnh giá. Cho nên họ có thể găm hàng lại, chờ đến chu kỳ tăng giá tới để họ bán cũng là điều dễ hiểu. Và ở đây chính là dấu hiệu trong khâu quản lý yếu kém mà chúng ta phải thừa nhận.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Rõ ràng tình hình diễn ra như vậy nhưng các công cụ, chế tài, ứng xử của các cơ quan quản lý không nghiêm, làm không đến nới đến chốn, đã dẫn tới tình trạng cứ lặp đi lặp lại và làm cho thị trường và tính minh bạch không cao. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp cho rằng giá nhập hiện nay cao hơn cả giá bán, chính tỏ điều này đang thể hiện sự yếu kém trong quản lý.
Ông lý giải cụ thể: Thứ nhất, sự rục rịch về thiếu nguồn cung mà chúng ta đã biết từ tháng 12, thế nhưng lại không đảm bảo được quá trình điều hành kế hoạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, cộng với việc thiếu nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đột ngột giảm sản lượng đã dẫn đến tình trạng trên. Do đó, chúng ta có thể dùng trong bối cảnh hiện tại là “đứt gãy nguồn cung tạm thời” trong điều kiện mà giá thế giới đang tăng lên. Giá mà chúng ta đang tính là giá của chu kỳ trước bán cho chu kỳ sau. Thế thì giá ở chu kỳ trước chúng ta đang bán ở mức 1 và chu kỳ sau lên mức 2 rồi thì rõ ràng người ta bán sẽ lỗ là điều dễ hiểu.
Do đó, theo ông Thoả, để giải quyết được bài toán căn cơ, trước tiên chúng ta phải kiểm tra xem sự thật như thế nào. Trong trường hợp thứ nhất, nếu doanh nghiệp hết hàng thật sự, tức là họ không mua được thì việc doanh nghiệp phải đóng cửa là chúng ta phải chấp nhận.
Trường hợp thứ 2, nếu doanh nghiệp còn xăng dầu nhưng đóng cửa, không bán và chờ giá lên mới bán thì phải xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép và đi liền với nó là phải xử lý bằng pháp luật.
"Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng theo thông lệ mua bán quốc tế là 2-1-2, tức là 5 ngày điều chỉnh 1 lần và dần dần chúng ta rút ngắn lại 2 ngày và tiến tới hàng ngày, như các nước áp dụng cơ chế giá xăng dầu theo giá thị trường" – ông Thoả nhấn mạnh.