A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm kinh phí thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, các giải pháp để thực hiện, trong đó có vấn đề về kinh phí.

Phát triển kinh tế số và xã hội số với các mục tiêu cụ thể

Cụ thể, theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là: Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%...

Với phát triển xã hội số, Chiến lược nêu rõ, xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Quyết định số 411/QĐ-TTg nêu rõ, phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, cụ thể gồm: Nông nghiệp và nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, việc làm và an sinh xã hội, Thương mại, công nghiệp và năng lượng, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Các ngành, lĩnh vực khác

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; - Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%...

Quyết định số 411/QĐ-TTg nêu rõ, phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, cụ thể gồm: Nông nghiệp và nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, việc làm và an sinh xã hội, Thương mại, công nghiệp và năng lượng, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Các ngành, lĩnh vực khác.

Bảo đảm kinh phí thực hiện Chiến lược

Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, kinh phí thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, ưu tiên kinh phí từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, dự án thuộc Chiến lược này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện; Phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới; Nghiên cứu rà soát sửa đổi bổ sung mục lục ngân sách riêng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chiến lược được giao cho các bộ, các cơ quan trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Chiến lược. Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Chiến lược được giao cho các địa phương chủ trì.

Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư chi để thực hiện các nhiệm vụ, dự án: Đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng số, mua sắm phần cứng, phần mềm, công nghệ, trang thiết bị và xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số

Nguồn kinh phí thường xuyên chi để thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; điều tra, khảo sát, thống kê, đo lường, đánh giá chỉ số phát triển, ảnh hưởng tác động; thuê, mua sử dụng, thúc đẩy phát triển các nền tảng số; tạo lập, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ, sử dụng dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp; thông tin, tuyên truyền; duy trì, vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng số; các nhiệm vụ khác thuộc Chiến lược có tính chất chi thường xuyên. Khuyến khích, ưu tiên sử dụng nguồn chi thường xuyên thuê, mua sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, hệ thống thông tin thay vì đầu tư xây dựng.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, đào tạo bố trí kinh phí từ ngân sách tự chủ của mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao thuộc Chiến lược. Các đơn vị có nguồn kinh phí được để lại theo quy định ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện Chiến lược phù hợp quy định của pháp luật.

Cũng tại Quyết định số 411/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí vốn chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan để triển khai Chiến lược; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng hóa đơn điện tử; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan