A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 nhân tố có thể “xoay chiều” chứng khoán năm 2020

Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán sẽ phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn trong năm 2020, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cảnh báo tại báo cáo vĩ mô thị trường 2020 mới phát hành.

6 nhan to co the xoay chieu chung khoan nam 2020
Diễn biến VN-Index trong một năm qua

Theo BSC, khả năng kinh tế vĩ mô vượt qua biến động phức tạp từ thế giới, duy trì ổn định và là nền tảng cho sự ổn định của thị trường chứng khoán như trong năm 2019 thì năm nay sẽ khác. Đáng chú ý, có tới 6 nhân tố có thể tác động “xoay chiều” chứng khoán trong năm 2020 này, bao gồm cả các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong.

Thứ nhất, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc tiếp tục được coi là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường chứng khoán trong 2020. Kéo dài từ đầu năm 2018 đến nay, cuộc thương chiến giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đẩy kinh tế toàn cầu tiến sát bờ vực suy thoái.

Mặc dù Mỹ - Trung đã bước đầu đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, tuy nhiên đàm phán giai đoạn 2 được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong năm 2020. Theo BSC, rường hợp hai bên không nhượng bộ các vấn đề mấu chốt trong giai đoạn 2, tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ giảm tốc tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Với một quốc gia có mức độ hội nhập mở lớn như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chịu mức ảnh hưởng khá nhiều từ tình hình mậu dịch toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể suy giảm khi làn sóng giảm tốc từ nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lan rộng qua các quốc gia liền kề thông qua kênh xuất nhập khẩu và kênh đầu tư ngoài nước.

“Hiện tượng này có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, BSC nhận định.

Thứ hai, kinh tế các nước chủ chốt suy giảm gây nên nguy cơ suy thoái và khủng hoảng. Phân tích của BSC cho thấy, khả năng xảy ra khủng hoảng tại Trung Quốc và Đức hiện lớn hơn khả năng xảy ra tại Mỹ.

Trong trường hợp Trung Quốc suy thoái, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm tới 0,7%; tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 1,5%. Chịu tác động tiêu cực nhất từ diễn biến trên là các nước láng giềng của Trung Quốc và các nước cùng chuỗi cung ứng với nước này.

“Việc thị trường tài chính thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ thì chỉ cần một mắt xích chủ chốt trục trặc, nhiều quốc gia khác cũng có thể bị tác động tiêu cực theo”, BSC đề cập trong báo cáo.

Thứ ba, bầu cử và khả năng luận tội Tổng thống Mỹ cũng được coi là sự kiện có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thị trường thế giới trong năm 2020.

BSC cho rằng ông Trump đang có nhiều khả năng tiếp tục tái cử. Trong trường hợp đó, các chính sách trọng điểm nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước; tăng đầu tư công và tư nhân tại Mỹ sẽ được ông giữ nguyên.

“Trong trung và dài hạn, đây sẽ là dấu hiệu kém tích cực cho thương mại Việt Nam khi thặng dư giữa hai nước đang dần nới rộng biên độ…”, BSC nhấn mạnh.

Thứ tư, đầu tư công vào các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh. Theo phân tích của BSC, với tình hình đầu tư công chậm chạp như hiện nay, Chính phủ sẽ có thêm nhiều động lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có dấu hiệu giảm tốc, biện pháp gia tăng tiêu dùng chính phủ thông qua các dự án đầu tư công là một trong những chính sách thường dùng của các quốc gia trên thế giới.

Từ phân tích trên, BSC nhận định nhóm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công của Chính phủ là nhóm vật liệu xây dựng cung cấp nguồn vốn nguyên liệu cho các dự án xây dựng hạ tầng tại các dự án của Bộ Giao thông vận tải và nhóm xây dựng tham gia đấu thầu xây dựng các dự án hạ tầng giao thông...

Thứ năm, Luật Chứng khoán sửa đổi và đề án cơ cấu thị trường hỗ trợ tiến trình nâng hạng thị trường sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” là nâng hạng thị trường. Trong năm 2019, các bước đầu tiên trong lộ trình thực hiện đã được triển khai.

Các nội dung chính của đề án đều hướng đến cải thiện đánh giá của cả MSCI và FTSE về hệ thống hoạt động và mức độ mở cửa đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, BSC kỳ vọng nếu được triển khai theo đúng lộ trình, Việt Nam sẽ được thông báo nâng hạng FTSE sớm nhất trong năm 2020, và MSCI trước năm 2025.

Thứ sáu, Việt Nam đang đứng trước cáo buộc thao túng tiền tệ, vị phạm tới 2/3 tiêu chí để xem xét một quốc gia là thao túng tiền tệ. Với việc xuất khẩu tăng trưởng nhanh, thặng dư thương mại lớn và dự trữ ngoại hối vẫn đang trong xu hướng tăng, Việt Nam đứng nguy cơ tiếp tục bị xem xét đối với vấn đề này.

Với phân tích 6 yếu tố trên, BSC cho rằng: “Chính phủ cần phải theo dõi chặt chẽ và có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây những gây ra những tác động lớn đến kinh tế vĩ mô cũng như khả năng tạo ra rủi ro cho thị trường chứng khoán”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan