3 ngành ‘bắt tay’ chống thất thu thuế trong kinh doanh vận tải
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn giữa Cục Thuế, công an tỉnh và Sở GTVT để phối hợp quản lý tốt hơn, chống thất thu thuế.
Theo nội dung quy chế, 3 đơn vị trên sẽ phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp quản lý thuế phương tiện vận tải theo chức năng nhiệm vụ chuyên ngành.
Trong đó, Sở GTVT kiểm tra thông tin về đăng ký thuế của đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT). Trên cơ sở điều kiện đối với xe ô tô KDVT hành khách để chấn chỉnh việc quản lý và thỏa thuận với các thành viên hợp tác kinh doanh, yêu cầu HTX, doanh nghiệp KDVT hành khách bằng xe taxi phải kê khai, nộp thuế theo quy định. Thu hồi, tạm dừng giấy phép kinh doanh đối với với đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra xử lý vi phạm.
Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT, Công an cấp huyện kiểm tra xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng xe ô tô. Tăng cường kiểm tra xử lý các xe vận chuyển hàng hoá, hành khách nhưng không có giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu do Sở GTVT cấp, chuyển thông tin để cơ quan thuế xử lý về thuế.
Lực lượng Cảnh sát kinh tế, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thuế để điều tra xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải có dấu hiệu trốn, gian lận về thuế ;
Cục Thuế Quảng Nam nắm bắt đầy đủ thông tin; lập danh sách các phương tiện vận tải bằng xe ô tô có hoạt động KDVT nhưng không đăng ký thuế, không có giấy phép KDVT (biển số xe màu trắng) chuyển danh sách cho Phòng CSGT, cơ quan công an, Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý…
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhìn nhận, những năm gần đây, hoạt động KDVT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, phương tiện vận tải gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên thu ngân sách từ KDVT bằng ô tô được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô doanh thu và mức độ hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo ông Quang, số lượng xe đã quản lý thuế so với số lượng xe thống kê còn chênh lệch lớn; Tình trạng thất thu thuế còn nhiều và xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa bàn. Một số lượng lớn phương tiện xe hoạt động không đăng ký KDVT, không đăng ký kê khai nộp thuế nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ KDVT kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế kinh doanh, để nợ đọng thuế kéo dài.
“Những hạn chế trên xuất phát từ tính tự giác chấp hành pháp luật thuế của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân KDVT chưa nghiêm túc, lợi dụng tính chất đặc thù của ngành vận tải là kinh doanh lưu động, không có địa điểm, sản phẩm mang tính dịch vụ để không đăng ký kê khai nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cũng thấy được công tác phối hợp quản lý thu thuế, quản lý phương tiện vận tải và kiểm tra, xử lý về thuế giữa các ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao”, ông Quang nói.
Việc tăng cường phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động KDVT bằng ô tô giữa 3 cơ quan thuế, công an và Sở GTVT nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 31/5/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam là cần thiết.
Theo Hoài Văn
Tiền Phong
Link bài gốc Lấy link! https://tienphong.vn/3-nganh-bat-tay-chong-that-thu-thue-trong-kinh-doanh-van-tai-post1563237.tpo