3 kịch bản tác động của dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam
Với kịch bản cơ sở, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %.
LTS: TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch nCoV tới kinh tế thế giới, Trung Quốc (tâm dịch); và kinh tế Việt Nam cùng các giải pháp kiến nghị. Báo cáo này thể hiện quan điểm, nhận định của Nhóm chuyên gia nghiên cứu, không phải là đại diện hay quan điểm của Tổ chức.
Trong bài viết ngày 11/2, chúng tôi đã giới thiệu phần 1 của báo cáo - Đánh giá tác động đối với kinh tế thế giới, Trung Quốc và một phần đối với Việt Nam, và dưới đây là phần 2 của báo cáo đề cập 3 kịch bản tác động của nCoV tới kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị về giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra.
Theo nhóm tác giả, nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của dịch nCoV là tương đối cao bởi diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh này và Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc; và đặc biệt Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và du lịch hàng đầu của nước ta.
Để đánh giá tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực). Việc đánh giá tác động theo tổng cầu, dựa trên 6 cơ sở chính như sau: (i) dựa trên kinh nghiệm, đánh giá tác động từ trường hợp tương tự, như dịch SARS (2003); (ii) rủi ro và nguy cơ sụt giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới và đặc biệt là của kinh tế Trung Quốc; (iii) đánh giá sự phụ thuộc và tác động trong quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch…) giữa Việt Nam và Trung Quốc; (iv) phân tích thực tiễn cơ cấu ngành và đóng góp vào GDP của một số ngành (lĩnh vực) chịu nhiều tác động; (v) tính toán trên cơ sở ngành nghề có số liệu và không bị trùng lặp (thí dụ, khối FDI có bị ảnh hưởng, nhưng sự ảnh hưởng này đã được đánh giá theo các lĩnh vực như XNK, bán lẻ, vận tải hàng không…v.v., nên không thể hiện trong kịch bản); và (vi) tham khảo kinh nghiệm, mô hình đánh giá, dự báo của một số tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế….v.v.
Mô hình đánh giá được thực hiện với hai giả định chính: (i) những biến động khác (ngành nghề, lĩnh vực khác) vẫn duy trì đà tăng trưởng như thường lệ; và (ii) Chính phủ chưa có động thái quyết liệt, chưa có gói kích thích kinh tế hay chưa điều chỉnh chính sách kinh tế (nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, công thương và giá cả…).
Kịch bản cơ sở
Theo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Do đó, các giải pháp, biện pháp ứng phó được xây dựng chủ yếu trên kịch bản cơ sở này.
Theo kịch bản này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm nCoV tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020. Khi đó, tác động của dịch nCoV đối với các lĩnh vực và nền kinh tế Việt Nam được nhận định như sau.
(Xem thêm các bài viết liên quan đến Tác động kinh tế do virus corona gây ra tại đây)
Đối với lĩnh vực du lịch, lượng khách và doanh thu khách quốc tế dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1 (đến 90%), giảm ít hơn nhưng vẫn ở mức sâu trong quý 2 (70%), chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của khách Trung Quốc và châu Á, song có thể phục hồi dần từ quý 3/2020 và bù đắp từ các nguồn khách khác. Lượng khách và doanh thu khách quốc tế cả năm giảm khoảng 20-22% so với năm 2019. Theo đó, sự sụt giảm của lĩnh vực du lịch quốc tế khiến GDP của Việt Nam giảm 5,49 điểm % trong quý 1, giảm 4,27 điểm % trong quý 2 so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 1,22 điểm % cả năm 2020.
Đối với lĩnh vực ngoại thương, trong quý 1, tổng kim ngạch XNK dự báo giảm 19-25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 19-20% và nhập khẩu giảm sâu hơn, khoảng 25% do sức cầu giảm nhẹ cũng như các tác động gián đoạn nêu trên); theo đó, cán cân thương mại thặng dư sẽ hỗ trợ GDP quý 1 tăng thêm 4,48 điểm % so với năm 2019. Trong quý 2, GDP tăng thêm 3,73 điểm % nhờ tác động từ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (với mức giảm xuất khẩu khoảng 15-16% và nhập khẩu giảm khoảng 20%). Nửa cuối năm, dự báo XNK sẽ phục hồi dần theo diễn biến tích cực của dịch bệnh. Tính chung cả năm, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cân cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm % so với năm 2019…v.v.
Bảng 1: Kịch bản cơ sở - đánh giá tác động tới GDP quý 1, quý 2 và cả năm 2020
Đối với lĩnh vực bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), trong quý 1, dự kiến sẽ có những tác động nhất định do tâm lý e ngại về c3a0 dịch nCoV cũng như việc các hoạt động văn hóa - xã hội, du lịch, lễ hội bị hạn chế, song do việc dịch vẫn đang được kiểm soát tốt, mọi hoạt động kinh tế-xã hội chưa bị ảnh hưởng quá lớn (chưa dẫn tới thay đổi thói quen tiêu dùng), do vậy mức giảm của lĩnh vực này sẽ không đáng kể (chỉ khoảng 1%), khiến GDP giảm 0,13 điểm % . Trong quý 2, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt dù việc có thể chưa sản xuất được vaccine hoặc thuốc điều trị, đồng thời bệnh không lây lan rộng hơn tại Việt Nam, các biện pháp phòng ngừa dịch vẫn được áp dụng song có nới lỏng dần và lĩnh vực này có mức giảm nhẹ 0,5%, làm GDP giảm 0,07 điểm %. Dự báo, nửa cuối năm, các điều kiện thời tiết thay đổi, vaccine và thuốc điều trị sẽ sớm được sản xuất, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn; từ đó, góp phần giúp cho lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hồi phục dần, cả năm giảm nhẹ 0,5% và khiến GDP giảm 0,07 điểm %.
Lĩnh vực giao thông - vận tải, là hoạt động hỗ trợ ngành du lịch, với trọng tâm là vận tải hàng không. Với đà giảm của du lịch cùng với tâm lý ngại di chuyển và tụ tập động người, dự báo ngành vận tải hàng không sẽ giảm khá mạnh (khoảng 30%) trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019, khiến GDP giảm 0,03 điểm %. Trong quý 2, vận tải hàng không vẫn còn nhiều khó khăn và giảm khoảng 25%, khiến GDP giảm 0,025 điểm %. Nửa cuối năm, dự báo ngành này sẽ phục hồi; nhưng tính chung cả năm 2020, vận tải hàng không có thể vẫn giảm khoảng 20% và khiến GDP giảm 0,02 điểm %.
Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, trong quý 1, dịch nCoV làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình (nhất là trong các lĩnh vực nêu trên) bị suy giảm,… từ đó làm giảm các hoạt động, giao dịch tài chính-ngân hàng (khoảng 1%) và khiến GDP giảm 0,05 điểm %. Từ quý 2 đến cuối năm, các tác động từ dịch nCoV với lĩnh vực này sẽ tăng dần (do có độ trễ), khiến GDP giảm 0,08 điểm % trong quý 2 và GDP giảm 0,11 điểm % cả năm.
Với kịch bản cơ sở này, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %.
Kịch bản tích cực: Với kịch bản này, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh (như đóng cửa khẩu, hạn chế du lịch, thương mại,…) sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Tương tự như đánh giá tại kịch bản cơ sở, dịch bệnh nCoV dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý 1, giảm 50% quý 2 và cả năm giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý 1 giảm 19-20%, quý 2 giảm 12-13% và cả năm giảm 7%; tiêu dùng cá nhân quý 1 giảm 1%, quý 2 giảm 0,5% và cả năm giảm nhẹ 0,1%. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 25%, quý 2 giảm 15% và cả năm giảm 15%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý 1 và quý 2 giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%.
Với diễn biến như vậy, GDP Việt Nam quý 1 có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.
Kịch bản tiêu cực: Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nước ta. Theo đó, dịch bệnh nCoV dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý 1, giảm 70% quý 2 và cả năm giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý 1 giảm 20-25%, quý 2 giảm 20% và cả năm giảm 21-23,5%; tiêu dùng cá nhân quý 1 giảm 1%, quý 2 giảm 0,5% và cả năm giảm mạnh 5%. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 40%, quý 2 giảm 30% và cả năm giảm 30%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý 1 và quý 2 giảm nhẹ 1% và 1,5%, cả năm giảm 0,5%.
Theo kịch bản này, do dịch bệnh, GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.
Hai giải pháp ứng phó
Về ngắn hạn, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 tại thời điểm này và chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế (tuy nhiên, cũng cần tính đến gói này đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, trong đó cần đặc biệt lưu ý về đối tượng áp dụng hỗ trợ, liều lượng và phương thức hỗ trợ). Trong ngắn hạn, nhóm nghiên cứu đề xuất 6 giải pháp chính như sau:
(i) Tập trung, quyết liệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ y tế và các cơ quan chức năng, địa phương; (ii) Từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động, trách nhiệm, theo dõi, đánh giá và có biện pháp phù hợp; (iii) Chú trọng nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và hợp tác quốc tế;
(iv) Truyền thông, minh bạch thông tin chuẩn xác, kịp thời và mang tính xây dựng, phù hợp là vô cùng quan trọng; xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm, cố ý tung tin đồn thất thiệt; (v) Chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm nay, nhưng cần quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đầu tư công, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh; (vi) Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh; có tính đến phương án phải nới lỏng nhẹ tiền tệ và tài khóa và chưa tính đến gói kích thích kinh tế (kinh nghiệm năm 2009 cho thấy tính hiệu quả của việc dùng gói này không cao).
Giải pháp trung và dài hạn
Từ tác động của dịch bệnh này cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm xác định và giải quyết những vấn đề then chốt, căn cơ và tầm nhìn chiến lược hơn. Nhóm nghiên cứu đề xuất 7 giải pháp trung-dài hạn như sau:
(i) Việc nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách, nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường hay đối tác, cũng là chiến lược phân tán rủi ro theo thông lệ; (ii) Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (nhất là ba trụ cột đã xác định); tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững; trong đó việc làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, lâu dài gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới và quá trình đô thị hóa là rất quan trọng;
(iii) Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; tăng yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, quy định xuất xứ đối với hàng hóa (đặc biệt là hàng tiêu dùng, nông thủy sản,…) nhập khẩu vào Việt Nam;
(iv) Cùng với quá trình khắc phục tác động tiêu cực từ dịch bệnh; cần có chiến lược dài hạn về cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, để từ đó có kế hoạch, lộ trình thực hiện từng năm (thay vì làm từng năm như hiện nay); (v) Tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, nhất là về nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), gồm cả nghiên cứu sản xuất thuốc, dược phẩm, dược liệu và vaccine phòng và thuốc đặc trị bệnh nCoV phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam;
(vi) Cần có đánh giá, báo cáo tổng hợp, rút kinh nghiệm về dịch bệnh; thống kê thiệt hại, chi phí, tác động…v.v. đối với kinh tế - xã hội để bố trí nguồn bù đắp; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó làm cơ sở, nguồn tham khảo đối với những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, những bài học hay, cách làm hay, hiệu quả trong quá trình phòng, chống dịch bệnh cần được lưu lại dưới dạng qui trình, sổ tay để thống nhất áp dụng sau này; (vii) Quan trọng hơn cả là làm sao để hạn chế rủi ro dịch bệnh. Theo đó, bảo vệ môi trường, động vật quý hiếm, giáo dục giữ gìn vệ sinh cá nhân, rèn luyện thân thể, tạo nếp sống lành mạnh cần đưa thành quốc sách, ưu tiên hàng đầu, thay vì chữa chạy.
Kết luận
Dịch bệnh nCoV có sức lây lan mạnh và chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, diễn biến rất khó lường. Dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, Trung Quốc và Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch của Trung Quốc và các nước. Hiện nay, vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá đầy đủ và chính xác những tác động này đối với kinh tế - xã hội của đất nước.
Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần bình tĩnh, chủ động ứng phó, phòng ngừa; minh bạch thông tin kịp thời và chính xác; thực hiện tốt công tác truyền thông và phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức quốc tế, các quốc gia khác là rất quan trọng để toàn xã hội ứng phó kịp thời và đúng mức với diễn biến dịch nCoV nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với xã hội và nền kinh tế.
(TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)