1 tỷ USD không đủ: Indonesia tiếp tục cấm Apple bán iPhone 16
Indonesia tiếp tục gây áp lực lên Apple.
Trước đó, Indonesia vào tháng 10/2024 đã từ chối gia hạn giấy phép, qua đó cấm Apple bán iPhone 16 do không đáp ứng được quy định phải có 40% linh kiện smartphone được sản xuất nội địa. Ngay cả điện thoại Pixel của Google cũng bị cấm vì quy định này.
Về phía Apple, công ty đã đề xuất thành lập một nhà máy trị giá 1 tỷ USD để sản xuất thiết bị theo dõi AirTag với sự trợ giúp của đối tác địa phương. Tuy nhiên các quan chức chính phủ Indonesia cho biết cơ sở này sẽ không đủ để đóng góp vào yêu cầu nội địa hóa linh kiện iPhone.
"Tính đến chiều nay, Bộ Công nghiệp Indonesia chưa có cơ sở để cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn nội địa hóa cho các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone 16", Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết khi nói thêm rằng đề xuất đầu tư của Apple là "chưa đủ".
Ban đầu, Apple chỉ đề xuất đầu tư 10 triệu USD và sau đó tăng lên 100 triệu USD nhưng các quan chức cho biết những con số đó là quá nhỏ so với doanh số bán hàng của công ty tại Indonesia.
Indonesia đã nhiều lần kêu gọi đầu tư nhiều hơn từ Apple, công ty vốn có bốn học viện phát triển tại quốc gia này để đào tạo sinh viên và kỹ sư phát triển ứng dụng nhưng không có cơ sở sản xuất.
Theo FT, Indonesia đang tận dụng lợi thế 354 triệu di động đang hoạt động tại đây với dân số khoảng 280 triệu người để gây áp lực lên các tập đoàn quốc tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường sản xuất trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp nước nhà.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã chỉ trích các quy định này là bảo hộ và yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa đã ngăn cản nhiều nhà đầu tư rót vốn vào đây.
Phòng Thương mại Mỹ (ACC) tại Indonesia cho biết sẽ rất khó để các công ty nước ngoài đáp ứng được tiêu chuẩn nội địa hóa này vì ngành sản xuất địa phương tại đây chưa đáp ứng được một số yêu cầu.
Các doanh nghiệp và nhà kinh tế đã cảnh báo rằng lệnh cấm đối với các sản phẩm của Apple và Google cũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của nhà đầu tư tại Indonesia, trong khi các nước trong khu vực như Việt Nam hoặc Malaysia có chính sách thân thiện hơn với nhà đầu tư quốc tế.
*Nguồn: FT