“Chặt vòi” tín dụng đen online: Mở rộng tín dụng chính thức
Người dân và doanh nghiệp nên mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chính thức. Đó là khuyến nghị của ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
LTS: Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 đặt ra tại Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là kiểm soát chặt tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tương đối lớn, nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cần vay vốn, nhưng không đảm bảo điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay được. Từ đó, những doanh nghiệp này tìm đến nguồn vốn “tín dụng đen” không ít. Cùng với đó, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn đột xuất, thường thuộc những người yếu thế, có thu nhập thấp, dễ bị “sập bẫy” bởi các lời mời chào dụ dỗ vay vốn lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng,...
- Hiện tượng “sập bẫy” tín dụng đen online đã được cảnh báo trong thời gian gần đây ngày càng nở rộ, thưa ông?
Tín dụng đen đã có sự biến tướng dưới nhiều hình thức, các đối tượng hoạt động lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên… vay tiền. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng này chuyển hưởng sang lập các doanh nghiệp “núp bóng”, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội với thủ đoạn quảng cáo như: không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng; nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật, bản chất đây là khoản tiền lãi bất chính.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam, có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến, hầu hết có vốn nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Indonesia... đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền và thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống, ép người đi vay dùng tiền vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, gây bất lợi về pháp lý cho người vay, một số hợp đồng tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Công an thành phố Thanh Hóa bắt giữ các đối tượng lừa đảo vay tiền các ứng dụng online
Thời gian vừa qua, công an các địa phương cũng phát hiện nhiều công ty đòi nợ thuê chuyển đổi thành công ty mua bán nợ, công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ... để thực hiện đòi nợ thuê bất hợp pháp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” vì lãi suất quá cao, vượt quá khả năng thanh toán.
- Để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp, theo ông cần có giải pháp gì?
Thực tế, các ngân hàng hiện nay không thể cho vay bằng mọi giá với tất cả các doanh nghiệp. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp phải xác định, khi có nhu cầu vay vốn thì phải xây dựng phương án kinh doanh, chứng minh việc đầu vào, đầu ra có hiệu quả và có tài sản đảm bảo để thực hiện. Trước tiên, các doanh nghiệp phải là người tự chủ vì nguồn vốn của ngân hàng hiện nay là khá dồi dào.
Còn với người dân khi có nhu cầu vay vốn đột xuất cho tiêu dùng, thì đã có các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, đáp ứng nhu cầu vốn, phục vụ đời sống sinh hoạt.
Riêng vấn đề dẹp bỏ tín dụng đen là không hề dễ, các cơ quan quản lý, các chuyên gia đã có nhiều khuyến nghị giải pháp như: Một là, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Hai là, cần tiếp tục truyền thông sâu rộng, nâng cao hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ tài chính ngân hàng, các quy trình thủ tục và cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp, hiệu quả.
Ba là, thúc đẩy kinh tế số phát triển tạo ra những triển vọng mới cho lĩnh vực tài chính số.
Bốn là, cơ quan quản lý Nhà nước cần áp dụng các biện pháp mạnh đối với tín dụng đen.
Năm là, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp tránh xa những quảng cáo, vay vốn một cách dễ dàng, đơn giản.
- Xin cảm ơn ông!
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú Để ngăn chặn hiện tượng biến tướng tín dụng đen từ vay qua app, NHNN đang rà soát lại hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động này. Ngoài ra, NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn mặt kỹ thuật để giúp cho người dân nhận biết được khi sử dụng qua hệ thống công nghệ đâu là chính thức, đâu là không chính thức. |