Vẫn cần một giải pháp tổng thể cho kỳ thi vào lớp 10
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 quy định, việc thi tuyển vào lớp 10 gồm các môn: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT quyết định, thay vì quy định bốc thăm môn thi thứ 3 như vẫn làm trước đây. Thông tin này đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Phụ huynh, học sinh “đứng ngồi không yên”
Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi tuyển vào lớp 10 THPT gồm các môn: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT quyết định nhằm tăng cường khả năng đánh giá kiến thức của học sinh cũng như giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án thi môn thứ 3 đã gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại trong phụ huynh, học sinh.
Nhiều phụ huynh và học sinh bày tỏ sự lo lắng nếu môn thi thứ ba là môn tổ hợp trong kỳ thi vào lớp 10 THPT |
Khi nghe thông tin này, chị Nguyễn Thị Việt Hương ở quận Long Biên cho rằng: "Tôi rất lo lắng, con tôi học tốt các môn Khoa học xã hội, có định hướng lên lớp 10 cũng sẽ chọn tổ hợp này nhưng lại đuối về các môn tự nhiên. Nếu thi tổ hợp vào đúng các môn con học yếu sẽ rất áp lực”.
Có con đang học lớp 9, anh Bùi Văn Hưng ở quận Thanh Xuân cho rằng, đề xuất bỏ bốc thăm môn thi thứ 3 với việc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chỉ định môn thứ 3 thì cũng không có gì khác biệt lắm. “Theo phương án của Bộ GD&ĐT đề xuất, môn thi thứ 3 có thể là 1 môn nhưng cũng có thể là tổ hợp. Tôi thấy rằng, nếu thi môn tổ hợp, học sinh sẽ vất vả hơn và như thế, giữa năm thi 1 môn và năm thi tổ hợp sẽ tạo ra sự không công bằng cho các cháu”.
Đa số phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với phương án thi 3 môn nhưng hầu hết lại băn khoăn, lo lắng về môn thi tổ hợp và thời gian công bố môn thi thứ 3 muộn (trước ngày 31/3), tức là gần hết học kỳ 1, các con vẫn chưa hình dung được môn thi để ôn luyện.
Áp lực học tập không giảm
Nhận xét về Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Thầy Lưu Văn Thông, hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng nhận xét: "Tôi thấy phương án như thế này là phù hợp và góp phần giảm áp lực cho học sinh. Dự thảo đưa ra 3 phương án để các địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện của từng nơi cũng là điều rất hay . Vì thông thường trước khi lựa chọn phương án các Sở GD&ĐT sẽ tham vấn ý kiến của các cơ sở giáo dục”.
Nếu chốt phương án môn thi thứ 3 sớm sẽ giúp thầy cô, học sinh có thời gian chuẩn bị tốt cho việc ôn tập |
Ở góc độ là nhà quản lý, thầy Lê Đức Thuận, trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho rằng: “Việc không bốc thăm môn thi thứ ba và áp dụng một trong ba phương án thi là một thay đổi quan trọng. Từ góc độ quản lý tại cơ sở, tôi đánh giá cao sự linh hoạt này, vì nó giúp nhà trường và học sinh chủ động hơn trong quá trình học tập và ôn luyện. Không cần phải đợi đến giai đoạn bốc thăm, học sinh có thể chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả các môn theo phương án thi đã được xác định từ trước. Điều này tạo sự ổn định trong kế hoạch giảng dạy và tổ chức thi cử. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện hiệu quả, cần có hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về chốt phương án thi sớm nhất giúp việc chuẩn bị được đẩy sớm hơn cho học sinh”.
Cũng theo thầy Lê Đức Thuận, việc áp dụng thi môn tổ hợp, học sinh sẽ phải học nhiều môn cùng lúc. Điều này không hẳn giảm được áp lực cho các em, vì khối lượng kiến thức của nhiều môn học vẫn yêu cầu sự nỗ lực lớn. Học sinh không chỉ phải nắm chắc kiến thức của từng môn mà còn phải làm quen với việc kết hợp chúng trong một bài thi. Vì thế, áp lực về mặt học tập và thi cử có thể không giảm đi, mà chỉ chuyển đổi sang một hình thức khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức thi môn tổ hợp chắc chắn sẽ gặp một số khó khăn. Đầu tiên là việc xây dựng đề thi, làm sao để đảm bảo kiến thức của nhiều môn học được kết hợp hài hòa, không quá nặng nề nhưng vẫn đủ sâu sắc. Bên cạnh đó, việc tổ chức ôn tập cho học sinh cũng là một thách thức, bởi giáo viên các môn phải phối hợp với nhau để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất. Cả học sinh lẫn giáo viên đều cần thời gian để làm quen với phương pháp ôn luyện này. Ngoài ra, nhà trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả cơ sở vật chất lẫn nhân sự để đảm bảo kỳ thi diễn ra suôn sẻ.
Dự thảo vẫn cần thời gian để thử nghiệm |
“Để thực hiện tốt Dự thảo, cần có thêm thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của việc thi môn tổ hợp. Việc này giúp đảm bảo học sinh, giáo viên và nhà trường có thời gian thích nghi và triển khai một cách hiệu quả. Đồng thời, cần có những chương trình đào tạo bổ sung cho giáo viên về phương pháp giảng dạy và ôn tập theo hình thức thi tổ hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất xem xét thêm các biện pháp giảm tải chương trình học để đảm bảo học sinh không bị quá tải, và có thể tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn”, thầy Lê Đức Thuận đề xuất.
Từ phía cơ sở, thầy Lưu Văn Thông cũng đề xuất, việc thi tổ hợp cần cân nhắc kỹ và có thời gian, lộ trình để chuẩn bị cả từ phía các nhà trường và học sinh. “Đây là bài thi mới, do đó nếu thực hiện các nhà trường sẽ cần có các hướng dẫn cụ thể hơn để điều chỉnh phương pháp, cũng như xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn thi cho học sinh. Tuy nhiên, do là môn tổ hợp nên việc ôn thi của các thầy cô giáo và các con học sinh cũng sẽ vất vả hơn”, thầy Thông nêu ý kiến.
Dự thảo có thể giúp giảm bớt áp lực về số lượng bài thi nhưng về lâu dài, áp lực cạnh tranh vào các trường THPT công lập vẫn sẽ là một vấn đề lớn. Số lượng học sinh muốn vào các trường công lập, đặc biệt là ở các trường top đầu luôn cao. Nếu không có sự điều chỉnh về chỉ tiêu tuyển sinh hay nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường ngoài công lập, áp lực thi vào lớp 10 vẫn sẽ rất lớn. Do đó, ngoài việc thay đổi cấu trúc thi, cần có những giải pháp tổng thể hơn để giải quyết vấn đề cạnh tranh này.