Thí sinh đăng ký nguyện vọng không cần tự quy đổi điểm
Năm 2025, kỳ xét tuyển đại học có nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó có quy định quy đổi điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển. Thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng, việc quy đổi sẽ do các trường và Bộ GDĐT thực hiện.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học CMC. Ảnh: Vân Trang
Thí sinh không phải tự quy đổi điểm tương đương trúng tuyển
Sĩ tử trên cả nước đang trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (từ ngày 16.7 đến 17 giờ ngày 28.7).
Ngày 22.7, Bộ GDĐT công bố bách phân vị 7 tổ hợp xét tuyển đại học phổ biến gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh), C01 (Toán, Lý, Văn), D07 (Toán, Hóa, Anh).
Theo đó, thí sinh đạt 28,75 điểm tổ hợp A00 được xác định tương đương thí sinh đạt 28,25 điểm ở tổ hợp A01 và 27,5 ở D01. Ngành nào xét tuyển bằng ba tổ hợp này phải đảm bảo cơ hội trúng tuyển của các nhóm thí sinh là như nhau.
Bộ yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học nếu sử dụng điểm kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, tư duy, các trường phải căn cứ bách phân vị của đơn vị tổ chức thi, từ đó xác định tổ hợp phù hợp để quy đổi.
Song, cũng theo bộ, đây chỉ là một tiêu chí để các trường tham khảo xây dựng công thức quy đổi riêng. Các yếu tố khác có thể là môn chính xét tuyển, đặc thù của ngành, trường và kết quả học tập của sinh viên khóa trước.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) - cho rằng, khái niệm quy đổi tương đương điểm trúng tuyển nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất, đây là bước hiệu chỉnh kỹ thuật sử dụng lý thuyết khảo thí, nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển cũng như giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau.
Ông Hà đặt giả thiết, môn A khó hơn, có điểm trung bình là 5, so với trung bình môn B là 7. Như vậy, một học sinh đạt 6 điểm ở môn A (cao hơn trung bình của chính môn đó) phải được đánh giá cao hơn học sinh đạt 6 điểm ở môn B (thấp hơn trung bình của chính môn đó). Nhưng nếu chỉ cộng điểm thô, thì sẽ không thể hiện được sự khác biệt này, không thể hiện sự chênh lệch này.
Vì vậy, cần áp dụng lý thuyết khảo thí để xác định mức điểm tương đương giữa các tổ hợp xét tuyển một cách khách quan, khoa học. Ông Hà nhấn mạnh, thí sinh không cần tự quy đổi điểm, chỉ cần đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung; việc quy đổi sẽ do Bộ GDĐT và các trường thực hiện theo hướng dẫn.
Chiến thuật chọn ngành, chọn trường và đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung của bộ. Phần mềm lọc ảo chỉ ghi nhận nguyện vọng cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Dựa trên nguyên tắc này, cô Trần Thị Thơ - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) - đặc biệt lưu ý thí sinh, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng là rất quan trọng. Các em cần sắp xếp theo đúng thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp, tránh bỏ lỡ cơ hội vào ngành học yêu thích.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, cô Thơ cho rằng, thí sinh chia nguyện vọng thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là nguyện vọng mơ ước, bao gồm những ngành, trường yêu thích nhưng có điểm chuẩn cao hơn một chút so với điểm thi.
Nhóm thứ hai là nguyện vọng vừa, gồm các ngành, trường phù hợp với học lực thực tế, khả năng trúng tuyển cao. Cuối cùng là nguyện vọng dự phòng, những ngành, trường có điểm chuẩn thấp hơn mức điểm của thí sinh nhằm đảm bảo đỗ đại học nếu trượt các nguyện vọng phía trên. Thí sinh nên có ít nhất 1-2 nguyện vọng thuộc nhóm này để chủ động ứng phó nếu điểm chuẩn tăng.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC - đưa ra 3 lưu ý cho thí sinh trong quá trình chọn ngành, chọn trường.
Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, thí sinh cần xác định bản thân muốn gì, phù hợp với ngành nghề gì. Thứ hai, ông Tùng khuyên thí sinh tìm hiểu, lựa chọn các ngành học đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư như khối ngành STEM, bán dẫn…
“Từ nay đến 2030, nước ta đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo 80.000 kỹ sư STEM. Hay như khối ngành bán dẫn, có đề án đào tạo 50.000 kỹ sư cử nhân. Đây là những chiến lược lớn của Nhà nước đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Tùng phân tích.
Cuối cùng, thí sinh nên chọn những trường, ngành nghề có sự gắn kết học thuật với thực tiễn, để thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp. “Những trường đáp ứng tiêu chí như tôi vừa đề cập nên được ưu tiên trọng số. Còn nhóm các trường theo đám đông, phụ huynh mong muốn, bạn bè đăng ký, học sinh chỉ nên để tỉ trọng đăng ký 5%” - ông Tùng dành lời khuyên.