A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ GDĐT siết chất lượng đầu vào ngành vi mạch, bán dẫn

Học sinh phải đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 24/30 trở lên, tối thiểu 8 điểm môn Toán mới được đăng ký vào các ngành về vi mạch bán dẫn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Chuẩn chương trình về vi mạch bán dẫn áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21.9.2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định mới của Bộ GDĐT, học sinh đạt 8 điểm Toán, đồng thời đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 24/30 trở lên mới được học vi mạch bán dẫn. Ảnh: Thanh Hải

Theo quy định mới của Bộ GDĐT, học sinh đạt 8 điểm Toán, đồng thời đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 24/30 trở lên mới được học vi mạch bán dẫn. Ảnh: Thanh Hải

Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, báo cáo Bộ trước khi tuyển sinh.

Theo quy định mới, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo.

Ngoài ra, tổng điểm của các môn đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán đạt ít nhất 80% thang điểm, tương đương 8/10.

So với dự thảo, Bộ không còn yêu cầu điểm từng môn Toán, Lý, Hóa đều phải đạt trên 8 nữa. Ví dụ, thí sinh theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có điểm Toán 9, Lý 8, Hóa 7 vẫn đủ điều kiện đăng ký xét tuyển.

Nếu dùng phương thức khác, điểm trúng tuyển quy đổi phải tương đương.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình xây dựng Quyết định 1314 có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về vi mạch bán dẫn; tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cựu người học đã tốt nghiệp có liên quan đến vi mạch bán dẫn; tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Chuẩn chương trình đào tạo là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này cũng là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.

Căn cứ vào định hướng đào tạo và điều kiện thực tiễn, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng chương trình giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng học ngoại ngữ cho người học và từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực bán dẫn, năm 2025, hàng loạt trường đại học mở ngành đào tạo mới như Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh,..

Trước đó, năm 2024, hàng loạt trường đại học đã mở chuyên ngành liên quan như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học FPT, Đại học Phenikaa,...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết