A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Niềm vui về việc dạy nghề gắn với giảm nghèo ở vùng đất khó

Huyện Lắk đã đạt nhiều thành tựu trong giảm nghèo gắn với đào tạo nghề, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Niềm vui về việc dạy nghề gắn với giảm nghèo ở vùng đất khó

Một lớp đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo ở huyện Lắk. Ảnh: Bảo Lâm

Dạy nghề cho hàng nghìn lao động

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), trong năm 2024, công tác dạy nghề và kết nối việc làm trong và ngoài tỉnh đã được triển khai hiệu quả.

Kết quả, hơn 1.500 học viên trên địa bàn đã được đào tạo nghề. Các ngành nghề đào tạo tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu như xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, lái xe tải, xe khách, và hướng dẫn viên du lịch...

Nhờ đó, huyện Lắk đã tạo việc làm cho khoảng 1.900 lao động nông thôn, vượt 118,75% so với kế hoạch đề ra.

Cũng trong năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ước giảm 3,73%, đạt 106,57% so với mục tiêu. Đặc biệt, tại các xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm 5,72%.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lắk, cho biết: “Việc triển khai Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 trên địa bàn đã nhận được sự đồng thuận từ các cấp, các ngành và bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số".

Theo ông Chiến, nguồn vốn từ chương trình này đã được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

Qua đó, góp phần nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại những vùng khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

"Nguồn lực từ chương trình cũng giúp đổi mới hoạt động, củng cố và phát triển Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện. Chúng tôi cũng đang tập trung nâng cao năng lực đào tạo nghề cho cộng đồng và cán bộ cấp xã" - ông Chiến chia sẻ thêm.

Nhờ chăm chỉ học nghề nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lắk đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Trung

Nhờ chăm chỉ học nghề nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lắk đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Trung

Cần có hướng dẫn cụ thể

Quá trình triển khai Tiểu dự án 3, Dự án 5 (thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719) trên địa bàn huyện Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nội dung phải tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, mất nhiều thời gian, đặc biệt trong việc xây dựng cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện chương trình.

Hồ sơ thẩm định, đấu thầu trực tuyến về sửa chữa hạng mục và mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo nghề cũng chiếm đáng kể thời gian xử lý. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản quản lý từ Trung ương và tỉnh còn chậm và thiếu đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai, giải ngân vốn cho các dự án và tiểu dự án thành phần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, ông Nguyễn Anh Tú, cho biết: “Trong năm 2025 và giai đoạn trung hạn sắp tới, UBND huyện sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, đảm bảo không xảy ra tiêu cực, lãng phí".

Theo ông Tú, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, khắc phục tư tưởng ỷ lại, khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Huyện kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình 1719 theo hướng thống nhất về đối tượng, định mức giữa các nghị định, quyết định và thông tư; cần có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ để địa phương dễ dàng triển khai các dự án, tiểu dự án" - ông Tú chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết