A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Google là "kèo dưới" trong cuộc đua đám mây?

Google hiện sở hữu công cụ tìm kiếm, trình duyệt web và hệ điều hành dành cho thiết bị di động lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong năm ngoái, họ chỉ kiểm soát được 4% thị trường dịch vụ đám mây công cộng, theo Gartner.

Điều đó khiến họ phải ở vị trí thứ tư sau Amazon, Microsoft và Alibaba khi ba "ông lớn" này lần lượt kiểm soát 48%, 16% và 8% thị trường đó. Dù Google vẫn tin rằng họ có thể thách thức Amazon và Microsoft để trở thành một trong hai "tay chơi" đám mây hàng đầu vào năm 2023, nhưng có khả năng họ sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn vì ba lý do đơn giản sau đây:

1. Những vấn đề và xung đột trong quản lý

Bốn năm trước, Google đã thuê Diane Greene, người đồng sáng lập VMware, để lãnh đạo đơn vị đám mây của mình. Greene được cho là đã "đụng độ" với CEO Google là Sundar Pichai về việc làm mới Project Maven, một dự án gây tranh cãi của Bộ Quốc phòng vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm người và vật.

Greene muốn giữ hợp đồng này, vì đó là một nguồn thu lớn cho đơn vị đám mây, nhưng Pichai thích bỏ nó hơn. Google cuối cùng đã quyết định không gia hạn hợp đồng, thiết lập các nguyên tắc "đạo đức" cho các công nghệ AI của mình và ngừng cung cấp hợp đồng đám mây cho trị giá 10 tỷ USD của Lầu Năm Góc - và kết quả là nó được chuyển sang Microsoft.

Greene được cho là cũng đã cố gắng kết hợp các dịch vụ đám mây của Google với những sản phẩm khác của công ty. Tờ The Information cho biết chiến lược này đã dẫn đến xung đột với các trưởng bộ phận khác của Google nhưng vẫn không giành được những khách hàng lớn. COO của Google Cloud, Diane Bryant, cũng đột ngột từ chức vào năm ngoái sau khi giữ vị trí này chưa tới một năm.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Greene cũng từ chức vào đầu năm 2019. Người kế nhiệm Greene, Thomas Kurian, trước đây là một giám đốc điều hành tại Oracle - một công ty vốn không mạnh về các dịch vụ đám mây. Tất cả những vấn đề quản lý đó có khả năng bóp nghẹt tăng trưởng ở mảng đám mây của Google khi Microsoft và Amazon mở rộng.

2. Những vụ thôn tính bị bỏ lỡ

Không giống như các công ty dẫn đầu khác, Google đã không mở rộng kinh doanh trên nền tảng đám mây của mình bằng những hoạt động mua lại tích cực. Greene được cho là muốn mua GitHub, dịch vụ dựa trên đám mây để lưu trữ mã phần mềm và hợp tác trong các dự án, nhưng Pichai không quan tâm. Microsoft sau đó đã mua lại GitHub với giá 7,5 tỷ USD.

IBM, công ty đứng thứ năm trong thị trường đám mây, gần đây đã mua lại nhà sản xuất phần mềm nguồn mở Red Hat với giá 34 tỷ USD để tăng cường mảng kinh doanh đám mây "lai" của mình. Google cũng không có hành động gì khi Salesforce mua lại nhà phát triển phần mềm tích hợp MuleSoft, một mục tiêu đầy hứa hẹn khác, với giá 6,5 tỷ USD.

Google có thể 334E dễ dàng dùng đến tiền mặt, các tài sản tương đương tiền mặt và chứng khoán có thể bán được của công ty mẹ là Alphabet (đạt 121 tỷ USD trong quý trước) để mua cả ba công ty vừa kể để tăng cường mảng kinh doanh trên nền tảng đám mây của mình - nhưng đã không làm. Trong khi đó, họ chỉ ký một ít thỏa thuận còn Amazon và Microsoft thu về một danh sách đối tác doanh nghiệp ngày càng dài.

Dưới thời Kurian, Google Cloud đã mở rộng đội ngũ bán hàng của mình và mua lại CloudSimple để tăng cường sự hiện diện của họ ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không rõ liệu những động thái muộn màng này có thể giúp họ bắt kịp được Amazon và Microsoft hay không.

3. Những lo ngại về quyền riêng tư và thiếu đòn bẩy

Alphabet vẫn tạo ra phần lớn doanh thu từ các quảng cáo "nhắm mục tiêu" của Google, nhờ thuật toán khai thác dữ liệu. Mô hình kinh doanh đó hiện làm tăng mối lo ngại về các giao dịch đám mây của Google trong những lĩnh vực coi trọng quyền riêng tư, như ngân hàng hoặc chăm sóc sức khỏe.

Đó là lý do tại sao thỏa thuận gần đây của Google Cloud để lưu trữ dữ liệu bệnh nhân cho các bệnh viện của Ascension bị xem xét kỹ lưỡng và gây ra một cuộc điều tra liên bang. Thương vụ mua lại Fitbit đang chờ xử lý, nhằm tăng cường hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số của nó, cũng phải đối mặt với một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp. Những phản ứng đó có thể khiến khách hàng doanh nghiệp gắn bó với Amazon và Microsoft – những công ty chỉ tạo ra tỷ lệ phần trăm nhỏ trong doanh thu của họ từ quảng cáo - thay vì là Google.

Amazon và Microsoft cũng có nhiều tầm ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp hơn Google. Amazon vẫn có thể tận dụng lợi thế "người đầu tiên" của mình và danh tiếng "tốt nhất trong nhóm" để có được khách hàng doanh nghiệp. Còn Microsoft có thể kết hợp các dịch vụ đám mây của mình với Office 365 và Windows 10, và đây là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các nhà bán lẻ đang cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp thương mại điện tử của Amazon.

Nói một cách đơn giản, các năng lực cốt lõi của Google - tìm kiếm trực tuyến, quảng cáo kỹ thuật số, trình duyệt web và hệ điều hành cho thiết bị di động - không làm tăng sức hấp dẫn của các dịch vụ đám mây.

Nhưng "kèo dưới" vẫn có thể có cơ hội?

Mảng kinh doanh trên nền tảng đám mây của Google vẫn gặp khó khăn, nhưng nhà đầu tư không nên từ bỏ một sự trở lại đầy tiềm năng. Nếu Google nghiêm túc về việc trở thành công ty dẫn đầu thị trường vào năm 2023, họ vẫn có thể mua lại các công ty nhỏ hơn, cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn Amazon và Microsoft hoặc tận dụng các thế mạnh thích hợp - như chỗ đứng của họ trên thị trường dịch vụ dành cho container - để có được nhiều khách hàng hơn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng xem xét các kế hoạch của Google cho đến khi họ thấy một số tiến bộ thực sự. AWS và Azure vẫn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm và việc bắt kịp có thể đòi hỏi Google phải thực hiện một số hy sinh đầy tốn kém.


Tác giả: Thanh Hải
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan