A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo

Di tích lịch sử, di tích cách mạng, nhân vật lịch sử là kho học liệu quý giá và sống động giúp những bài học lịch sử trở nên phong phú, hấp dẫn hơn…

Hình thức tiếp cận nhẹ nhàng, gần gũi

“Em rất thích học lịch sử. Mỗi tuần em đều háo hức mong chờ đến môn học này”… đó là một trong số nhiều chia sẻ của các em học sinh lớp 6 trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội về giờ học lịch sử.

Học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung trong giờ học lịch sử

Học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung trong giờ học lịch sử

Không phải là một tiết học lý thuyết với những con số khô khan kể ngày, tháng, năm, tên chiến dịch lịch sử… các giờ học được giáo viên tổ chức phong phú, sinh động dưới nhiều hình thức khác nhau để học trò hiểu lâu, nhớ kỹ.

Điều đặc biệt, tiết học lịch sử địa phương được tổ chức trong không gian mở, hiện đại, tăng tương tác khiến bạn nhỏ nào cũng vô cùng thích thú.

Chia sẻ về công tác giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường, cô Trịnh Hồng Vân, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung chia sẻ: “Giáo dục lịch sử địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thông qua môn học này giúp các em thêm hiểu, thêm yêu và tự hào hơn về lịch sử của nơi mình đang sinh sống - Thủ đô Hà Nội. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng ấy, nhà trường đã chú trọng đổi mới để các em tiếp cận với lịch sử địa phương nhẹ nhàng và gần gũi”.

Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo

Mới đây nhất, vào ngày khai giảng năm học mới 5/9, bên cạnh phần lễ, trường đã tổ chức chiếu phim tài liệu về những mốc son lịch sử kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Theo đó, có 4 rạp chiếu phim tại các lớp chiếu 4 bộ phim gồm: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời; Toàn quốc kháng chiến; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Giải phóng Thủ đô, khúc ca khải hoàn. Mỗi bộ phim có độ dài 8 - 10 phút, do chính học sinh tự tìm kiếm tư liệu theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Không chỉ chiếu phim, cả thầy cô và học sinh thích thú, hào hứng cùng chung tay trang trí lớp học theo chủ đề của phim rất ấn tượng. Các em cũng được trải nghiệm tham gia các hoạt động như chơi Hò kéo pháo, ăn lương khô như các chú bộ đội thời chiến…

“Nhà trường mong muốn các em được tiếp cận gần gũi nhất với thực tế lịch sử để hiểu được khó khăn, gian khổ và chiến thắng oai hùng của cha ông. Từ đó, mỗi học sinh có ý thức rèn luyện, vươn lên trong học tập”, cô Trịnh Hồng Vân nhấn mạnh.

Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo

Vun đắp tình yêu, lòng tự hào dân tộc

Không chỉ có trường THCS Thanh Xuân Trung, quan tâm đến giáo dục lịch sử để học sinh thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra, mà riêng về giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc, thì nhiều năm nay đã trở thành vấn đề cốt lõi được 2.913 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng.

Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo

Các học sinh trường Tiểu học Thăng Long tìm hiểu về lịch sử ở sân trường

Tại trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, nhà trường có rất nhiều phương pháp để truyền đạt cho học sinh.Không chỉ gói gọn qua các bài học lịch sử, địa lý… giáo dục truyền thống còn trở nên đầy hấp dẫn thông qua rất nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.

Không khô cứng như những bài học trên lớp, không khó tưởng tượng về một nhân vật lịch sử, một sự kiện hay một thời kỳ đã xa… Những câu chuyện về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng huyền thoại của thế kỷ XX - trở nên thật gần gũi, dễ nhớ và đầy xúc động đối với học sinh trường Tiểu học Thăng Long.

Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo

Các học sinh Thủ đô trong chủ đề chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Em Phạm Bình Minh, lớp 5E, trường Tiểu học Thăng Long, chia sẻ: "Thông qua các hoạt động thảo luận nhóm trong tiết học giáo dục lịch sử địa phương, chúng em được biết thêm về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc. Em rất tự hào khi được sinh ra ở Hà Nội, đặc biệt được học dưới mái trường Thăng Long này, em hứa sẽ trở thành con ngoan trò giỏi, học tốt và trở thành người có ích cho đất nước”.

Cô giáo Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long cho biết: “Bằng những hoạt động cụ thể, nhà trường muốn các em thấy được truyền thống lịch sử của dân tộc, tự hào và thêm yêu đât nước, quê hương mình”.

Hơn 30 chủ đề chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Hơn 30 chủ đề chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Để các em nắm bắt lịch sử truyền thống một cách trực quan sinh động, nhà trường đã tổ chức các tiết học lịch sử bên ngoài lớp học. Các con có thể học ở thư viện, sân trường, bảo tàng.

Em Lê Phương Thảo Nguyên, học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Thăng Long chia sẻ: "Trên ghế nhà trường em cũng đã học về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, em càng cảm thấy tiết học thú vị hơn khi chúng em được học dưới sân trường - nơi có tượng đài của bác. Em rất tự hào khi bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng dạy học và làm việc tại đây. Em sẽ cố gắng học thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp".

Việc bám sát sự kiện văn hóa - lịch sử để tổ chức chương trình ngoại khóa là một cách giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh. Từ đó, hình thành và phát triển ở học sinh sự hứng thú tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, thông qua giáo dục truyền thống, nhà trường đã định hướng lý tưởng cho học sinh để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống ở quê hương mình

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan