Đề xuất tăng thời gian hưởng phụ cấp thu hút của giáo viên
Đề xuất không khống chế thời gian hưởng phụ cấp thu hút là 5 năm mà áp dụng toàn bộ thời gian giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.
Sáng 18.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn.
Phát biểu tham luận, giáo viên Trịnh Thị Sen, đoàn viên Công đoàn Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết hiện nay việc thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên ở Hà Giang còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, mặc dù có các chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho giáo viên vùng cao như phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề và trợ cấp khi nhận công tác nhưng mức thu nhập vẫn không đủ để trang trải cuộc sống.
Thu nhập đối với giáo viên hiện còn thấp, chủ yếu là tiền lương nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến cho nhiều giáo viên không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Theo giáo viên Trịnh Thị Sen, trong những năm vừa qua, tình trạng “chảy máu” giáo viên diễn ra ở nhiều huyện vùng cao của Hà Giang. Việc giữ chân các giáo viên dường như trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì điều kiện sinh hoạt, đi lại ở các huyện miền núi rất vất vả. Năm học 2023 - 2024 tỉnh Hà Giang có hơn 120 giáo viên xin chuyển công tác về các tỉnh khác. Điều đó làm cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh Hà Giang càng trở nên cấp thiết và nan giải hơn.
Theo giáo viên Trịnh Thị Sen, để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên thì cấp trên đã bố trí cho giáo viên đi dạy hỗ trợ ở các trường thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên phải dạy cùng lúc 2-3 trường. Điều đó đặt ra những khó khăn rất lớn cho giáo viên vì hầu hết các trường, các xã đều cách xa nhau ít nhất là hơn chục km. Mặc dù các giáo viên đều nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không tránh khỏi những tâm tư, xáo động.
Cô giáo Trịnh Thị Sen kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng không khống chế thời gian hưởng phụ cấp thu hút (5 năm) mà áp dụng chính sách thu hút đối với công chức, viên chức trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Giáo viên Phạm Thị Nghị, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Quan Hóa, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng nêu bất cập về phụ cấp.
Theo bà Phạm Thị Nghị, giáo viên vùng khó khăn thường được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt.
"Tuy nhiên, việc phân bổ và thực hiện các chính sách này ở một số địa phương còn chưa nhất quán, dẫn đến sự bất công bằng giữa các khu vực. Ví dụ như huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát là 3 huyện vùng sâu nhất của tỉnh Thanh Hóa nhưng hiện nay chỉ có huyện Mường Lát được hưởng thu hút, 2 huyện Quan Hóa, Quan Sơn đã bị cắt…", nữ giáo viên cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự điều chỉnh trong bảng lương của giáo viên, nhưng mức lương thực tế của giáo viên vùng khó khăn vẫn còn thấp so với nhu cầu sinh hoạt. Giá cả thị trường ở các vùng cao thường đắt đỏ hơn nhiều so với miền xuôi. Điều này ảnh hưởng đến động lực và chất lượng giáo dục.
Giáo viên Phạm Thị Nghị đề xuất nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên vùng khó khăn, theo đó, cần có các biện pháp cụ thể hơn để nâng cao chế độ phụ cấp và lương cho giáo viên, bảo đảm mức sống tối thiểu.
Cùng với đó, cần quy định rõ ràng về mức phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt và đảm bảo thực hiện nhất quán trên cả nước, tránh sự phân biệt giữa các khu vực.