Yêu cầu các các công ty chứng khoán báo cáo dư nợ margin cổ phiếu "họ FLC"
Ngày 5/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Văn bản số 1808/UBCK-QLKD gửi các công ty chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của một loạt cổ phiếu có liên quan ông Trịnh Văn Quyết và CCTCP Tập đoàn FLC (FLC).
Văn bản của UBCKNN cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Thông tư 121/2020/TT-BTC, UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với một số mã chứng khoán, để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, UBCKNN yêu cầu các công ty báo cáo dư nợ cho vay margin đối với các mã chứng khoán: FLC; AMD; KLF; ART; HAI; ROS; GAB. Các nội dung báo cáo được UBCKNN yêu cầu bao gồm: Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty chứng khoán và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán theo mẫu đính kèm. UBCKNN đề nghị các công ty chứng khoán gửi báo cáo trước ngày 8/4/2022.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán BOS, với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán". Vụ án khiến Chủ tịch FLC và những người khác bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1 ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó.
Ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này. Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư cũng được hoàn lại tiền đã mua cổ phiếu FLC.