A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vietnam Airlines đạt doanh thu tỷ USD trong quý III

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đạt tổng doanh thu 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu quý cao nhất của hãng từ khi đại dịch bùng phát đến nay và về gần mức thu bình quân mỗi quý của thời điểm trước dịch.

Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỷ đồng trong quý III/2023, khả quan hơn nhiều so với số lãi 165 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong cả 3 quý đầu năm nay, hãng đều có lãi gộp.

Lũy kế 9 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.798 tỷ của 3 quý đầu năm 2022.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế gần 2.300 tỷ đồng trong quý III. Trong 9 tháng vừa qua, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng 3.535 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã giảm chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ.

Tại tới cuối tháng 9/2023, Vietnam Airlines sở hữu 15.400 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3.900 tỷ. Phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho, ở mức tương ứng hơn 5.800 tỷ và hơn 4.000 tỷ.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines là hơn 74.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 59.800 tỷ đồng.

Theo giải trình của Vietnam Airlines, sở dĩ khoản lỗ sau thuế hợp nhất quý III của hãng giảm so với quý III chủ yếu do giảm lỗ của doanh nghiệp vận tải và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam Airlines cho biết do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nên mức lỗ quý này đã thấp hơn so với cùng kỳ 2022.

Vietnam Airlines đánh giá hoạt động kinh doanh vận tải tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch (năm 2019). Các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025. Trong đề án, năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Hãng cũng sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sau khi được phê duyệt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan