A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao HAH đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi?

Đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi giảm tới 64%, đâu là thách thức của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) trong năm 2023?

HAH vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán. Theo đó, trong năm 2022, doanh thu thuần HAH đạt 3.206 tỷ đồng tăng 64% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của HAH đạt 1.422 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng lên 44%, trong khi năm ngoái biên lợi nhuận gộp ở mức 36%. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của HAH đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 89% so với thực hiện năm 2021, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 822 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, HAH đã vượt 34% mục tiêu về doanh thu và vượt 89% kế hoạch.

Theo ban lãnh đạo HAH, kết quả kinh doanh năm 2022 tăng so với năm trước chủ yếu từ hoạt động khai thác tàu: doanh thu khai thác tàu tăng do giá cước vận tải đường biển và giá cho thuê tàu tăng. Bên cạnh đó, năm 2022 công ty đưa vào khai thác tàu Hải An City tàu An Biên Bay từ Công ty Vận tải An Biên - công ty liên kết của HAH.

Cùng với sự tăng trưởng của đội tàu Hải An trong năm, dịch vụ cảng và dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng tăng theo. Đồng thời, lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên kết cũng tăng hơn 50% so với năm trước.

Tuy nhiên, giá cước vận tải đường biển đã hạ nhiệt. Tính đến thời điểm này, giá cước đã giảm 75% so với đầu năm hay giảm 80% so với mức đỉnh hình thành trong tháng 9/2021. Theo đó, giá thuê tàu định hạn và giá thuê tàu cũ theo sát xu hướng giảm của giá cước, cụ thể đã lần lượt giảm 70% và 50% so với mức đỉnh.

Còn theo hãng vận tải Maersk, nhu cầu sử dụng container chở hàng dự kiến cũng sẽ giảm 2,5% trong năm nay, khi lạm phát vẫn ở mức cao và lãi suất đang trên đà tăng ở Mỹ hay châu Âu. Nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt tại nhiều quốc gia sẽ tiếp tục hạn chế các hoạt động thương mại hàng hóa, mặc dù việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp cải thiện phần nào triển vọng… Sau hai năm hưởng lợi lớn từ giá cước cao, các hãng vận tải biển đều đã đưa ra cảnh báo về khả năng lợi nhuận giảm sâu trong năm nay. Để ngăn đà giảm của giá cước, các doanh nghiệp vận tải được dự báo sẽ hạn chế công suất vận chuyển.

Tuy nhiên, các hãng vận tải cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ lượng tàu đóng mới quá lớn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Các thống kê cho thấy, tính đến tháng 1/2023 tổng công suất vận chuyển hàng hóa của các tàu được đặt hàng đóng mới đã bằng 1/3 đội tàu đang hoạt động trên toàn cầu. Khi các tàu mới này được bàn giao, công suất vận chuyển dư thừa sẽ tăng cao hơn nữa, đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục giảm sâu.

Trước tình hình này, HAH đặt kế hoạch đi lùi với tổng sản lượng 973.000 TEU, tổng doanh thu 2.631 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận hợp nhất sau thuế của cổ đông công ty mẹ 300 tỷ đồng, giảm 64% so với thực hiện năm 2022.

Ngoài ra, hai quy định mới có hiệu lực kể từ năm 2023 — Chỉ số hiệu quả năng lượng của tàu hiện tại (EEXI) và Chỉ số cường độ carbon (CII) sẽ gián tiếp làm giảm 10% công suất vận tải, do các tàu buộc phải giảm tốc độ để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, trong khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết phần nào sẽ giải phóng công suất vận tải ở mức tương đương với mức cắt giảm trên. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với HAH trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo đánh giá về ngành cảng biển Công ty Chứng khoán MIRAE ASSET Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khi các NHTW duy trì việc tăng lãi suất điều hành để đưa lạm phát về mức mục tiêu. Chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID và ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái trong năm 2023. Tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế phát triển trong năm 2023 dự kiến ở mức thấp, các thị trường xuất khẩu chính của VN: Mỹ (+0.5%), EU (0%), Nhật (+1%).

Thương mại toàn cầu năm 2023 nhiều khả năng tăng trưởng thấp nhất từ năm 2021, sau giai đoạn dịch COVID và thấp hơn nhiều so với trung bình 2000-2019. Sự phục hồi của hoạt động thương mại sau đại dịch đang ở mức thấp hơn so với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ. Chỉ số giá vận tải biển thế giới hiện đã về mức trung bình giai đoạn 2011- 2020.

Trong năm 2023, MIRAE ASSET Việt Nam cho rằng các công ty có doanh thu chính từ cung cấp dịch vụ vận tải biển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn và mức biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Tăng trưởng thấp kết hợp với lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính của VN, ảnh hưởng đến sản lượng xuất nhập khẩu và thông quan… Điều này sẽ khiến cạnh tranh ở mảng khai thác cảng và vận tải biển gay gắt hơn, đặc biệt ở khu vực miền Bắc khi công suất liên tục được mở rộng. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với HAH nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển nói chung…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan