Thách thức của các công ty lữ hành trong năm phục hồi du lịch
Mặc dù đang có nhiều hứa hẹn khởi sắc, song các công ty lữ hành vẫn đứng trước nhiều thách thức trong năm phục hồi du lịch.
Những dấu hiệu khả quan từ chính sách của nhà nước và thị trường du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua đang hứa hẹn bức tranh tích cực cho các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh sự hứng khởi là một loạt những thách thức để có thể “restart” thành công.
Du lịch Hội An đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Ảnh: Tuấn Vỹ
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Sau 2 năm bị tàn phá bởi đại dịch, lực lượng lao động lành nghề trong ngành du lịch đã kịp “yên bề gia thất” với các ngành khác.
Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành, số lượng các doanh nghiệp thành công trong việc giữ lại một vài nhân sự chủ chốt trong suốt 2 năm qua là rất ít. Với các doanh nghiệp phải ngủ đông trong thời gian qua, bây giờ là lúc “tái khởi nghiệp” từ đầu, và sẽ phải tuyển dụng những nhân sự “đầu tiên” khi hoạt động trở lại.
Kể cả với lớp sinh viên chuyên ngành du lịch ra trường những năm 2019, 2020 và 2021, có thể nói rất ít trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để bước chân vào ngành du lịch sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt này lại có thể là cơ hội để các chủ doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lực lượng lao động mới của mình thông qua việc sớm tuyển dụng, tập trung đào tạo huấn luyện và xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho công ty.
Công nghệ thay đổi
Có thể nói bộ mặt công nghệ ứng dụng đã thay đổi hoàn toàn trong 2 năm vừa qua và ảnh hưởng sâu sắc đến cách làm việc theo từng nghiệp vụ chuyên môn của mỗi doanh nghiệp.
Nếu như cuối năm 2019 đầu 2020 vẫn còn quá nhiều nghiệp vụ phải làm thủ công thì đến nay các công cụ trực tuyến đã giúp chủ doanh nghiệp vận hành hoàn toàn trên điện thoại di động, các nghiệp vụ chuyên môn có thể thực hiện được từ bất cứ đâu và các phương pháp tiếp cận cũng như chăm sóc khách hàng hiện nay cũng đa dạng và dễ sử dụng.
Nhưng khó khăn ở chỗ, có vẻ như đại bộ phận các doanh nghiệp lữ hành đã lỡ nhịp cập nhật và tích hợp những công nghệ này vào hệ thống quản trị vận hành của công ty trong 2 năm “ngủ đông”. Việc học hỏi, thích ứng và triển khai công nghệ mới vào hệ thống của doanh nghiệp cần nhiều thời gian và nỗ lực rất lớn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của quá trình phục hồi ban đầu của doanh nghiêp. Việc cập nhật công nghệ sẽ là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị tụt hậu với thị trường.
Dù là thách thức nhưng bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén của mình, các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể sớm làm chủ được việc ứng dụng công nghệ để phục vụ công việc kinh doanh của mình. Doanh nghiệp nào sớm thành công trong việc ứng dụng công nghệ sẽ có được lợi thế tuyệt vời cho những năm bùng nổ tiếp theo của ngành.
Xu hướng "tự tổ chức, tự đi" của du khách ngày càng cao. Ảnh: Tuấn Vỹ
Nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi
Minh chứng là rất nhiều công ty lữ hành ế khách trong khi các điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước đã gần như kín phòng trong dịp Tết nguyên đán vừa qua (cần lưu ý rằng số lượng các doanh nghiệp lữ hành hoạt động trong thời gian này chỉ còn rất ít so với trước đây, nghĩa là sự cạnh tranh đã “dễ thở” hơn rất nhiều). Có thể thấy rất rõ xu hướng “tự tổ chức, tự đi” của khách hàng đang ngày càng cao. Với sự giúp sức của công nghệ, khách du lịch hiện nay đã có rất nhiều sự thuận tiện trong việc tự tổ chức chuyến đi của mình và vai trò của các công ty lữ hành đang bị đe dọa.
Thời gian gần đây có nhiều công ty giới thiệu các sản phẩm mới và thị trường du lịch nội địa manh nha các tour du lịch độc đáo, cần bàn tay tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những sản phẩm này vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và công suất phục vụ rất khó đạt được sự đột phá cả về chất và lượng.
Nhưng như thế không có nghĩa là hồi kết của các công ty lữ hành đang đến gần. Du lịch là ngành kinh doanh trải nghiệm và cảm xúc, nên dù du khách có thay đổi thế nào về khẩu vị du lịch, về cách thức di chuyển, thói quen chi tiêu, họ cũng sẽ luôn có các nhu cầu được chăm sóc, được hưởng sự tiện lợi, được đảm bảo an toàn và được sử dụng dịch vụ tin cậy, và đây chính là thế mạnh của dịch vụ lữ hành.
Độ trễ của chuỗi cung ứng
Cơn đột quỵ kéo dài hơn 2 năm đòi hỏi một giai đoạn phục hồi chức năng cho chuỗi cung ứng ngành du lịch lữ hành.
Hàng không và các khách sạn 5 sao thuộc các tập đoàn lớn có thể bắt nhịp lại ngay nhờ những lợi thế tài chính, nhân lực, quy trình quản trị và kinh nghiệm, uy tín kinh doanh. Với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chiếm tỷ trọng khoảng 80% sản lượng của ngành - sự hồi sinh sẽ diễn ra đau đớn và chậm hơn nhiều.
Thực tế đã có quá nhiều doanh nghiệp phá sản trong thời gian qua. Các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, giải trí sẽ cần có thời gian để “làm lại từ đầu”, và câu chuyện không chỉ nằm ở tài chính và nhân lực, mà còn là uy tín thương hiệu, số lượng khách hàng cũng như các tiêu chuẩn dịch vụ cần được sắp xếp tổ chức lại với những con người, thiết bị và công nghệ hoàn toàn mới.
Lữ hành không thể tồn tại nếu thiếu các dịch vụ tại điểm đến. Về mặt hình thức, cứ có khách là các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sẽ mọc lên rất nhanh. Tuy nhiên, để đạt được sự chuẩn chỉ, chuyên nghiệp và đồng bộ trong chuỗi cung ứng của lữ hành, sẽ có một độ trễ nhất định sau khi thị trường được mở cửa hoàn toàn. Phải chăng đây cũng là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư vào ngành du lịch trong thời kỳ mới?
Vĩ thanh
Trong nguy có cơ là điều đã được học và chứng minh trong suốt 2 năm qua. Những thách thức được nêu trong bài viết này không mới mà cũng không cũ, nhưng chắc chắn nó sẽ diễn ra trong bối cảnh “bình thường mới” sau đại dịch, khi thế giới vẫn trong bối cảnh VUCAH, du lịch quốc tế cần được “tìm hiểu lại” và thích ứng cho phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu mới.
Với quyết tâm mở cửa nền kinh tế của chính phủ, khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt vời từ các doanh nghiệp lữ hành, chắc chắn những thách thức này sẽ được ngành du lịch Việt Nam chinh phục và sớm trở lại quỹ đạo, phát triển rực rỡ hơn trước.