A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp

Mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế thời đại tất yếu đối với mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nhận thức này đã tạo ra một tâm thế mới trong chỉ đạo điều hành của NHNN với những phương pháp cải cách hành chính (CCHC) mới, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong những năm vừa qua.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng

Khi ngân hàng “xắn tay” cùng DN

Ngày 19/11 vừa qua, NHNN đã có Quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm. Để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất, NHNN cũng giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn.

Trước đó vào tháng 9, NHNN cũng đã giảm các mức lãi suất điều hành để  giúp các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Sau các quyết định điều hành của NHNN, các TCTD cũng nhanh chóng nhập cuộc, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thậm chí các NHTM Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất tới 3 lần.

Một trong những yếu tố quan trọng để NHNN đưa ra quyết định điều hành này được Phó Thống đốc Đào Minh Tú “bật mí” là từ kết quả những đợt khảo sát, tọa đàm tại các tỉnh thành, đặc biệt là qua 4 hội nghị vùng kinh tế trọng điểm. Sự chủ động của NHNN và các TCTD trong việc tiếp cận, lắng nghe, thấu hiểu, hợp tác và chia sẻ cùng DN đã và đang mang đến một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi để DN có thêm điểm tựa phát triển cho mình cũng như góp động lực phát triển nền kinh tế.

Là một trong 5 hiệp hội được NHNN mời lên tiếp xúc và trực tiếp đối thoại với Phó Thống đốc Đào Minh Tú hồi tháng 10/2019 vừa rồi, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chia sẻ về mối quan hệ thân tình giữa ngân hàng và hiệp hội. Ở đó ngân hàng không chỉ là đối tác mà còn là “người một nhà” khi các ngân hàng chủ động tham gia và trở thành thành viên liên kết trong hiệp hội. Những cái tên như VietinBank, SHB, ACB đã trở nên thân thuộc với hơn 120 thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam từ nhiều năm nay; là trợ lực quan trọng giúp họ có nguồn vốn ổn định và kịp thời phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện trọng trách Chính phủ giao phó trong việc thu mua lúa gạo.

“Câu chuyện vốn tín dụng đi theo cây lương thực là vấn đề chúng tôi rất trăn trở không chỉ giải quyết bài toán tín dụng cho vay lương thực từ các ngân hàng, mà còn là gốc của vấn đề sinh kế của bà con nông dân, vấn đề an ninh lương thực quốc gia”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ. Chính vì vậy, NHNN luôn sát sao chỉ đạo, khuyến khích các TCTD chung tay chia sẻ. Ví như ngay sau Hội nghị Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long tháng 2/2019, NHNN yêu cầu các NHTM chủ động cân đối nguồn vốn, làm việc trực tiếp với các DN để xem xét tăng hạn mức vay vốn, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để DN thu mua thóc, gạo cho người dân. 

Không chỉ có ngành lương thực, nhiều chính sách hỗ trợ có tính chiến lược dài hạn của NHNN cũng đã được chú trọng như chương trình tín dụng cho DN ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp, DNNVV…

“Riêng trong Ngành chúng tôi xử lý quyết liệt những đơn vị, cá nhân không chấp hành chỉ đạo của NHNN, gây khó dễ cho DN thậm chí cho thôi chức vụ, chuyển công tác các lãnh đạo TCTD không tuân thủ để đảm bảo dòng vốn tín dụng thông suốt”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Kiến tạo môi trường đầu tư an toàn, cởi mở

Ở góc độ vĩ mô, mục tiêu lớn nhất mà NHNN theo đuổi và triển khai thành công đó chính là điều hành CSTT linh hoạt, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo một môi trường kinh doanh ổn định để DN trong nước cũng như nước ngoài yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Những nút thắt lớn trong tín dụng như cho vay dựa vào tài sản thế chấp trước đây cũng đã có những cải cách lớn khi NHNN giao cho NHTM tự quyết và phân quyền cho cấp dưới.

Tư duy và phương thức CCHC được áp dụng đã mang lại sự bứt phá cho chỉ số tiếp cận tín dụng trong những năm gần đây. Theo đó, NHNN đã chủ động tìm hiểu phương thức đánh giá xếp loại của WB, WEF từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện và cải cách các tiêu chí mà các tổ chức xếp loại. NHNN cũng cập nhật cùng WB, WEF để xem thông tin thu thập đã đủ và khách quan chưa, từ đó chủ động cung cấp thêm thông tin tư liệu để giúp họ đưa ra đánh giá chính xác hơn.

Kết quả của những nỗ lực này, cùng việc nâng cao chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), đã đưa Chỉ số tiếp cận tín dụng vươn lên vị trí 26 trên thế giới, đứng thứ 2 trong khối ASEAN theo xếp hạng của WB trong năm 2019. Đó cũng là một nhân tố trọng yếu thúc đẩy, nâng hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của WB cũng như WEF trong những năm gần đây.

Thông tin tín dụng được minh bạch, kinh tế ngày càng thị trường hơn, cơ chế xin cho đang dần lùi xa, quan hệ tín dụng trở nên bình đẳng, hai bên cùng có lợi. DN khỏe thì ngân hàng khỏe. Mối quan hệ này “buộc” DN cũng không ngừng cải cách mạnh hơn để hấp dẫn khách hàng, không chỉ bằng phí mà hơn thế là tạo ra sự vượt trội và khác biệt trong chất lượng sản phẩm.

Như với VietinBank, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, trong năm 2019, ngân hàng đã dành các nguồn lực để hoàn thiện các giải pháp tài chính phục vụ khách hàng. Theo đó, VietinBank chuyển đổi từ phương thức truyền thống trước đây sang việc cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện phục vụ cho từng nhóm khách hàng trong mối quan hệ liên kết theo chuỗi...

Với nỗ lực điều hành của Chính phủ, con đường phát triển của đất nước phía trước đang mở ra tươi sáng. Minh chứng dễ thấy nhất là dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều.

“Tôi tin rằng Đại hội Đảng sắp tới sẽ còn có nhiều đường lối quyết liệt hơn, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN. Tôi nói như vậy không phải chỉ là để khuyến khích DN. Bởi, chỉ nhìn trên góc độ ngành Ngân hàng, trong thời gian qua, trong các cuộc họp hội đồng quốc gia cũng như của NHNN, chúng tôi đánh giá rất chi tiết về tác động bên ngoài, tồn tại bên trong các quan hệ kinh tế để tìm ra một giải pháp định hướng điều hành CSTT trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… tất cả nhằm hỗ trợ cho DN, cũng như khơi dậy và thúc đẩy những tiềm năng của nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Hồng Nhật

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan