A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam: Lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Quảng Nam thống nhất cần quan tâm đến doanh nghiệp đang hoạt động, bởi đây là nhóm doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách.

>>Quảng Nam: Vì đâu đường tránh lũ trăm tỷ dở dang?

Tại phiên họp đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt tháo gở khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, sau đại dịch Covid-19, ngành kinh tế đang dần hồi phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay không chỉ của chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành liên quan mà là cả hệ thống chính trị.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Quảng Nam, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp giải thể, 631 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 68 doanh nghiệp.

Ngoài nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, các ngành kinh tế khác đều gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Nguyên nhân được xác định là do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.

a

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh Tổ công tác đặc biệt như một “chiến dịch đặc biệt” với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả cao nhất, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tiếp tục tăng 193%.

Nhận thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm tổ trưởng, 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh được thành lập hôm 16/5.

Tại phiên họp đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Tổ công tác đặc biệt như một “chiến dịch đặc biệt” với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả cao nhất, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần vực dậy nền kinh tế sau đại dịch”.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch, các thành viên đã cùng trao đổi, thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ trong thời gian tới, đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

D

 Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 tại Quảng Nam giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. 

Các thành viên Tổ công tác đều thống nhất cần quan tâm đến doanh nghiệp đang hoạt động, bởi đây là nhóm doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách. Hiện nay nhóm doanh nghiệp này đang đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm…

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thành viên Tổ công tác, ngoài việc thông qua các buổi tiếp, đối thoại doanh nghiệp, thì các Sở, ngành, địa phương cần chủ động làm việc với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận đầu mối để giải quyết vướng mắc, đặc biệt có thể lập nhóm qua Zalo giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tiện lợi. Theo đó, sẽ công khai địa chỉ tiếp nhận những kiến nghị của doanh nghiệp.

Thống nhất với những kiến nghị, giải pháp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, Tổ công tác đặc biệt, cách thức hoạt động cần phải đặc biệt, và tập trung  giải quyết những vấn đề “nóng”.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên theo thứ tự: Nhóm doanh nghiệp đang hoạt động gặp vướng mắc khó khăn, cần phải tháo gỡ kịp thời; nhóm các doanh đang trong quá trình triển khai dự án; nhóm các doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư.

Trong 03 nhóm này sẽ chia ra theo từng lĩnh vực, trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp vướng lĩnh vực nào sẽ giao cho các sở, ngành liên quan giải quyết; trường hợp không thể giải quyết được, Tổ sẽ giải quyết.

Đối với những vướng mắc đặc biệt khó khăn, Tổ sẽ trực tiếp giải quyết. Cùng với đó, Tổ công tác sẽ lập nhóm công việc qua môi trường mạng, kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp, để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, hiệu quả. Đồng thời, các buổi tiếp doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương pháp, ngoài các buổi trao đổi trực tiếp, nghiên cứu phương án tiếp qua mạng…

Ngoài ra, Tổ công tác có thành phần là thủ trưởng cơ quan, có thể chịu trách nhiệm trước những “quyết định nóng” được đưa ra ngay trong cuộc họp hàng tháng của Tổ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ thành lập Tổ giúp việc do Phó Giám đốc Sở KH&ĐT làm Tổ trưởng.

“Các thành viên của Tổ cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao, xem đây như là 1 chiến dịch, xây dựng kế hoạch cụ thể với các giải pháp mũi nhọn, có trọng tâm, trọng điểm, phải có lộ trình giải quyết công việc rõ ràng với kết quả cụ thể”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan