Nửa năm kinh doanh bết bát, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm 26%
Thống kê từ báo cáo tài chính của 1.030 công ty đại chúng, tổng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm gần 26% so với cùng kỳ, phản ánh thực trạng khó khăn của nền kinh tế.
Nội dung chính:
- 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng giảm gần 26% so với cùng kỳ và tiếp tục phân hóa mạnh.
- Có đến 210 doanh nghiệp xây dựng, bất động sản làm ăn thua lỗ trong nửa đầu năm qua.
- Bất động sản chưa hết khó nhưng kết quả tích cực đã xuất hiện ở một số công ty có dự án bàn giao trong nửa đầu năm nay.
Sức cầu yếu của nền kinh tế nói chung cùng tốc độ tăng phi mã của chi phí tài chính (tăng gấp rưỡi trong nửa đầu năm) đã khiến các doanh nghiệp có nửa năm kinh doanh vô cùng khó khăn.
6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng đã giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 111.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm hoặc đi ngang.
Ngành sản xuất càng không tránh khỏi tình cảnh hẩm hiu khi lãi ròng của một loạt doanh nghiệp hàng đầu đều lao dốc trong 6 tháng qua. Điển hình như Vinamilk - VNM (giảm 6% so với cùng kỳ), Masan - MSN (giảm 72%), SABECO - SAB (giảm 27%), Vĩnh Hoàn - VHC (giảm 52%), Sao Mai - ASM (giảm 71%),...
Tính đến hết tháng 7, chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã có 5 tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Dù có sự phục hồi trong tháng 7 nhưng tổng thể hoạt động sản xuất nước ta vẫn đang suy yếu.
Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng: "Ngành sản xuất Việt Nam vẫn chịu áp lực khi các doanh nghiệp tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng."
Lợi nhuận tập trung vào các “ông lớn”
Không chỉ giảm sút về lợi nhuận, bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm 2023 còn có sự phân hóa rõ rệt. 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất chiếm một nửa lợi nhuận toàn thị trường. Tỷ lệ này đã tăng lên so với nửa đầu năm 2022 (top 10 chiếm 40% lợi nhuận toàn thị trường).
Trong đó, Vinhomes (mã CK: VHM) bất ngờ vươn lên vị trí quán quân lợi nhuận sau thuế nửa đầu 2023 khi đạt hơn 21.600 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi ròng cao vượt trội so với mặt bằng chung và bỏ xa á quân PV Gas (hơn 6.600 tỷ đồng). Cứ mỗi 100 đồng lợi nhuận của thị trường, Vinhomes đóng góp gần 20 đồng.
Bất chấp khó khăn của thị trường, Vinhomes vẫn báo lãi lớn đến từ việc bàn giao các sản phẩm bán lẻ tại Vinhomes Ocean Park 2 (5.400 sản phẩm). Ngoài ra, doanh số bán hàng của Vinhomes cũng được duy trì ổn định hơn so với các công ty cùng ngành nhờ thành công của chiến lược “bán buôn” dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài giúp đem lại lợi nhuận nhanh chóng.
Lợi nhuận từ Vinhomes và Vincom Retail đã giúp công ty mẹ Vingroup lãi hợp nhất gần 990 tỷ đồng sau thuế trong nửa đầu năm nay, sau khi bù đắp các mảng kinh doanh khác bị thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp dầu khí ghi nhận lãi ròng giảm mạnh nhưng vẫn trụ vững trong top 10 như PV Gas (mã CK: GAS) giảm 23% so với cùng kỳ, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR) còn giảm đến 77%.
2 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm là Vinamilk và SABECO cũng chứng kiến lợi nhuận tụt dốc trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng cao cùng chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột biến
Thị trường bất động sản chưa hết khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn mang lại tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) có mức lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, đạt hơn 1.800 tỷ đồng - gấp 10 lần cùng kỳ. Đô thị Kinh Bắc nối dài đà tăng trưởng trong quý II/2023 nhờ bàn giao đất tại dự án Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh cho Tập đoàn Goertek.
Theo VnDirect , một số nhà phát triển khu công nghiệp sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, vị trí chiến lược tại thị trường cấp 2 như Đô thị Kinh Bắc có thể biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá thuê lên cao.
Một công ty niêm yết trên sàn HNX là Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An (mã CK: DIH) xác lập mức tăng trưởng kỷ lục với lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt gần 29 tỷ đồng, cao gấp 1.445 lần so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu nhờ vào doanh thu từ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị khối Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hoà tại TP. Hội An được khai thác từ đầu năm nay.
Một cái tên hiếm hoi trong ngành logistics là Công ty Gemadept (mã CK: GMD) báo lãi ròng 6 tháng đầu năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Thành tích này xuất phát từ doanh thu tài chính tăng đột biến nhờ thương vụ chuyển nhượng vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ cho Công ty Container Việt Nam (Viconship - mã CK: VSC).
Ông lớn ngành xăng dầu - Petrolimex (mã CK: PLX) cũng ghi nhận lãi ròng trong 2 quý đầu năm nay cao gấp 5 lần cùng kỳ, đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận của Petrolimex tăng mạnh do hoạt động kinh doanh xăng dầu đã trở lại điều kiện bình thường, nguồn cung trong và ngoài nước dần ổn định.
Dữ liệu được tổng hợp từ FiinPro, một sản phẩm của FiinGroup. Các doanh nghiệp được tổng hợp là các công ty đại chúng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023.