Những quy định doanh nghiệp thực phẩm nhất định phải biết
Bộ Y tế đang dự thảo đề xuất cải cách nhiều thủ tục hành chính về đăng ký công bố, xác nhận quảng cáo thực phẩm.
Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định nhằm kiểm soát thực phẩm chặt chẽ hơn. Ảnh minh họa: Hương Giang
Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn thực phẩm.
Dự thảo tập trung vào ba nhóm nội dung lớn: Cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý và tăng cường hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm.
Cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế:
• Bỏ yêu cầu dịch thuật, công chứng toàn bộ tài liệu tiếng Anh khi công bố sản phẩm.
• Cho phép sử dụng phiếu kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất đạt chuẩn GMP thay vì phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định.
• Quy định rõ thời gian xử lý hồ sơ công bố sản phẩm, giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
• Đơn giản hóa hồ sơ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
• Bỏ giấy chứng nhận GMP trong hồ sơ đăng ký công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước, do đã liên thông thủ tục.
• Nới lỏng thủ tục nhập khẩu thực phẩm viện trợ từ thiện, miễn công bố sản phẩm nhưng vẫn phải kiểm tra chất lượng.
• Xây dựng phần mềm quản lý thống nhất các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương.
• Cắt giảm thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chỉ định cơ sở kiểm nghiệm.
Phân cấp, phân quyền trong cấp phép và quản lý nhằm tăng quyền chủ động cho địa phương, giảm tải cho các cơ quan trung ương:
• Phân cấp cho địa phương cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với thực phẩm xuất khẩu (trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
• Phân cấp quản lý dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm cho địa phương.
Tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chất lượng thực phẩm
Trước thực trạng thị trường thực phẩm phát triển mạnh với hơn 84.000 sản phẩm thực phẩm thông thường và hơn 54.500 sản phẩm thực phẩm chức năng, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn:
• Quy định chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm mới được phép đứng tên công bố sản phẩm.
• Bổ sung thuyết minh thành phần sản phẩm trong hồ sơ công bố để ngăn chặn việc trộn nhiều chất không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe.
• Siết chặt việc thay đổi nội dung sản phẩm sau khi công bố, bắt buộc công bố lại nếu thay đổi về thành phần, công dụng, hàm lượng, cơ sở sản xuất…
• Quy định thu hồi giấy phép công bố đối với sản phẩm không lưu hành trong 3 năm.
• Yêu cầu doanh nghiệp lập và lưu trữ hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File - PIF), tương tự quy định đối với mỹ phẩm. Bộ Hồ sơ này chứa đầy đủ các thông tin về sản phẩm và rất quan trọng để kiểm soát độ an toàn và chất lượng từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, theo dõi độ ổn định định để tính hạn dùng, kiểm soát chất lượng trong toàn bộ quá trình sản xuất (từ nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm) và khi lưu hành trên thị trường.
• Nộp tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm khi công bố sản phẩm để phục vụ hậu kiểm.
• Tăng chế tài xử lý vi phạm (quy định về việc thu hồi và dừng tiếp nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm), bổ sung điều kiện, thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm.
Ngoài các nội dung do Bộ Y tế đề xuất, Thanh tra Chính phủ, trong Kết luận số 2555/KL-TTCP ngày 6.12.2024, cũng kiến nghị bổ sung mẫu nhãn sản phẩm và tiêu chuẩn nhà sản xuất vào thành phần hồ sơ tự công bố và đăng ký công bố sản phẩm, nhằm tăng tính minh bạch và thuận tiện cho công tác hậu kiểm.
Những sửa đổi, bổ sung lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, đồng thời nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, tăng cường quản lý chất lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Việc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được ban hành theo thủ tục rút gọn sẽ góp phần sớm hiện thực hóa những đổi mới này trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành thực phẩm và mong mỏi của doanh nghiệp, người dân.