Nhu cầu tuyển dụng tăng, doanh nghiệp gặp khó do thiếu nguồn cung
Cuối năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Hải Phòng tăng cao, nhất là ở khối ngành may mặc, giày da.
Ồ ạt tuyển dụng lao động
Theo thống kê, đến hết tháng 10.2024, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn TP Hải Phòng tăng cao, tập trung vào nhóm ngành may mặc, giày da. Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (sản xuất đồ nội y, quần áo, giày thể thao) tuyển dụng 1.150 lao động, Công ty TNHH Maple (cùng KCN VSIP, chuyên may mặc xuất khẩu) tuyển 540 lao động; Công ty TNHH May mặc Yalena (huyện An Lão) tuyển 600 lao động để sản xuất đồ lót nữ, đồ bơi; Công ty TNHH giày Stateway Việt Nam (quận Dương Kinh) tuyển 200 lao động...
Công ty TNHH Hoa Thành (huyện Tiên Lãng) liên tục thông báo tuyển 200 công nhân kéo khuôn và 100 công nhân cho các bộ phận khác. Theo đại diện công đoàn công ty, sau thời gian khắc phục thiệt hại do bão số 3, công ty hoạt động ổn định và rất nhiều đơn hàng. Do vậy, công ty cần thêm số lượng lớn lao động để kịp tiến độ sản xuất và yêu cầu khách hàng, nhất là tháng cuối năm.
Ngoài nhóm may mặc, giày da có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động, nhóm ngành điện tử cũng đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động. Điển hình như Công ty TNHH công nghệ máy văn phòng Kyocera (KCN VSIP, chuyên sản xuất máy in) cần tuyển gần 300 lao động; Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (KCN DeepC 2A) tuyển 280 lao động để sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử...
Theo Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đợt giữa năm 2024, 128 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 10.133 lao động. Đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn rất lớn do hầu hết các doanh nghiệp đều phục hồi sản xuất sau bão Yagi, đơn hàng dồi dào đến năm 2025.
Tung ưu đãi để hút lao động
Để thu hút lao động, Công ty TNHH Maple (KCN VSIP Hải Phòng) công khai loạt chế độ, phúc lợi như trợ cấp xăng xe 500.000 đồng/tháng, nhà ở 500.000 đồng/tháng, chuyên cần 600.000 đồng/tháng, tiền thâm niên từ 200.000 - 1 triệu đồng/tháng... Tổng thu nhập NLĐ khi làm việc tại công ty từ 8-18 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, Công ty TNHH Maple treo thưởng để thu hút công nhân may như thưởng công nhân may chưa tay nghề vào lần đầu 1,5 triệu đồng/người, công nhân may có tay nghề vào lần đầu 3 triệu đồng (nếu vào công ty trước 31.10.2024 thưởng nguyên tháng lương thứ 13); thưởng người giới thiệu công nhân may vào lần đầu mức 1,5 triệu đồng/người.
Các doanh nghiệp còn lại cũng đưa ra mức lương hấp dẫn như Công ty TNHH Regina Miracle International lương từ 9-25 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH Sao Mai (Vĩnh Bảo) từ 7,5-20 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH Pegatron 9-13 triệu đồng/tháng...
Về phía công đoàn, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đã kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đăng tin việc làm trên Fanpage Công đoàn khu, thu hút gần 60.000 lượt truy cập.
Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tuyển dụng lao động do thiếu nguồn cung. Nguyên nhân tình trạng này theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, thu nhập không đáp ứng được mức sống kỳ vọng nên NLĐ xem xét chuyển sang làm công việc phi chính thức thu nhập cao hơn. Các địa phương khác cũng đang phát triển nhiều KCN nên lực lượng lao động nhập cư tại Hải Phòng có xu hướng trở về địa phương làm việc.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, sở cũng phối hợp các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu việc làm. Mới đây nhất, phiên giao dịch việc làm quận Dương Kinh ngày 2.11 thu hút 35 đơn vị, doanh nghiệp, kết nối việc làm cho hàng nghìn lao động.
Về lâu dài, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác, đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo của thành phố, bảo đảm nguồn lao động có tay nghề phục vụ sản xuất. Cùng với đó, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cùng với các thiết chế cần thiết để thu hút NLĐ ngoại tỉnh làm việc, gắn bó lâu dài với Hải Phòng.