Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề do bão Yagi
Bão Yagi, cơn bão mạnh nhất châu Á năm 2024 cho đến hiện tại, đã gây thiệt hại trên diện rộng cho cơ sở hạ tầng và nhà máy tại Việt Nam.
Cơn bão đã đổ bộ vào bờ biển đông bắc Việt Nam vào thứ Bảy, nơi có nhiều hoạt động sản xuất lớn của các công ty trong và ngoài nước, Reuters cho biết. Sau bão là nguy cơ lũ lụt và lở đất.
Các nhà quản lý và công nhân tại các khu công nghiệp và nhà máy ở Hải Phòng, một thành phố ven biển có hai triệu người, cho biết rằng họ không có điện và đang cố gắng cứu thiết bị từ các nhà máy có mái tôn bị thổi bay, dự kiến sẽ tiếp tục có mưa.
Các bức tường của một nhà máy của LG Electronics của Hàn Quốc tại Hải Phòng đã bị sập.
LG Electronics, một nhà sản xuất thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng lớn, cho biết đã có thiệt hại tại cơ sở sản xuất nhưng không có thương vong nào trong số các nhân viên. Công ty cho biết một nhà kho có tủ lạnh và máy giặt đã bị ngập nước.
Cột điện bị đổ khiến Hải Phòng và Quảng Ninh vẫn mất điện vào thứ Hai. Hai tỉnh này là trung tâm công nghiệp, nơi có nhiều nhà máy xuất khẩu hàng hóa, bao các nhà cung cấp cho Apple là Pegatrong và USI.
Các nhà chức trách vẫn đang đánh giá thiệt hại đối với các khu công nghiệp nhưng ước tính ban đầu cho thấy gần 100 doanh nghiệp đã bị bão làm hư hại, gây thiệt hại lên tới hàng triệu USD, CBS News nêu.
Cơn bão này là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm 2024 cho đến hiện tại và đổ bộ vào bờ biển đông bắc Việt Nam vào thứ Bảy, sau khi gây ra sự tàn phá ở Trung Quốc và Philippines.
Bên cạnh thiệt hại về người, thì thiệt hại về hạ tầng và kinh tế là vô cùng lớn.
Cơ quan thời tiết đã cảnh báo vào thứ Hai về nhiều trận lũ lụt và lở đất hơn nữa, lưu ý rằng lượng mưa dao động từ 208 mm đến 433 mm ở một số khu vực trong khu vực trong 24 giờ qua.
"Lũ lụt và lở đất đang gây thiệt hại cho môi trường và đe dọa đến tính mạng của người dân", Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong một báo cáo.
Những ngôi nhà ở một số khu vực của Thái Nguyên và Yên Bái đã gần như bị ngập hoàn toàn vào sáng sớm thứ Ba, người dân phải chờ trên mái nhà để được cứu giúp, kênh CNA của Singapore đưa tin.
Tại Hà Nội, dân cư dọc theo Sông Hồng cũng bị ngập một phần, người dân buộc phải sơ tán. Bà Phan Thị Tuyết, 50 tuổi, sống gần sông, cho biết bà chưa bao giờ trải qua mực nước cao như vậy.
"Tôi đã mất tất cả, tất cả đều mất hết. Tôi phải đến vùng đất cao hơn để cứu mạng sống của mình. Chúng tôi không thể mang theo bất kỳ đồ đạc nào. Mọi thứ đều chìm trong nước”.
Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào Chủ Nhật, nhưng một số khu vực của thành phố cảng Hải Phòng đã ngập dưới nửa mét nước và không có điện .
Tại Vịnh Hạ Long, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, cách thành phố khoảng 70km về phía bờ biển, cơ quan quản lý thiên tai cho biết 30 tàu thuyền đã bị chìm sau khi bị gió mạnh và sóng lớn đánh trúng.
Cơ quan hữu quan cho biết cơn bão cũng đã phá hủy gần 3.300 ngôi nhà và hơn 120.000 ha mùa màng ở phía bắc Việt Nam.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, các cơn bão trong khu vực hiện đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và ở trên đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu.
Theo Dy Khoa
Nhịp sống thị trường