Ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng
Gần về cuối năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ cấp ủy, chính quyền về môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính… hoạt động của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi. Tình hình kinh tế địa phương đã dần phục hồi và khởi sắc, doanh nghiệp quay lại thị trường, gia nhập mới thị trường có tín hiệu tích cực, hoạt động sản sản xuất kinh doanh nhộn nhịp cho các đơn hàng đã ký kịp giao cuối năm. Nhu cầu vốn tín dụng bắt đầu hấp thu, tăng trưởng tín dụng khởi sắc.
Để góp phần chia sẻ khó khăn, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó, ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.177 khách hàng, với tổng giá trị nợ cơ cấu là 1.536 tỷ đồng, trong đó, giá trị cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho cá nhân là 817 tỷ đồng (4.132 khách hàng), doanh nghiệp là 683 tỷ đồng (45 khách hàng) theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Phạm Kim Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 68.586 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cuối năm 2023. Như vậy, từ đây đến cuối năm 2024, các tổ chức tín dụng vẫn còn dư địa để cho vay đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (dư nợ đạt 28.388 tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng dư nợ); lĩnh vực xuất khẩu (dư nợ đạt 7.529 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ); doanh nghiệp nhỏ và vừa (dư nợ đạt 15.537 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20%); các chương trình tín dụng chính sách (dư nợ đạt 5.528 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ). Có 1.180 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ cho vay là 26.161 tỷ đồng, tăng 4.530 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 21% so với cuối năm 2023, chiếm 38,2% tổng dư nợ.
Ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chủ động tổ chức nhiều hoạt động kết nối ngân hàng- doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn.
Nhờ sự sát cánh của ngành Ngân hàng, đã tập trung, chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiêp phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó, góp phần tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2024 phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,55% (9 tháng năm 2024), cùng kỳ năm 2023 là 4,99% (chỉ tiêu nghị quyết năm 2024 đạt từ 7 - 7,5%). Theo đó, khu vực I tăng 4,4% (cùng kỳ tăng 1,68%); khu vực II tăng 11,83% (cùng kỳ tăng 5,19%), trong đó công nghiệp tăng 12,96% (cùng kỳ tăng 4,41%); khu vực III tăng 6,61% (cùng kỳ tăng 9,22%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 4,95%).