Nền hành chính công hiện đại sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển
Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã đưa ra những phân tích, dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025.
Trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á - Seasia Stats - dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỉ USD. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử.
Như nhiều năm trước, Việt Nam không tự nói về mình, mà lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đánh giá khách quan từ bên ngoài, để từ đó quyết định đúng đắn cho chiến lược phát triển kinh tế.
Các nhà phân tích chỉ ra nhiều động lực để Việt Nam tăng trưởng trong năm nay, trong đó có xuất khẩu và đầu tư công. Năm 2024 xuất khẩu đạt kỷ lục với hơn 400 tỉ USD, và dự báo năm 2025 sẽ tăng sẽ tăng 9-10%, giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt khoảng 85-90% kế hoạch, tăng trưởng từ 24-31% so với năm 2024.
Những phân tích và các con số dự đoán này hoàn toàn có cơ sở, bởi vì Việt Nam đã nỗ lực để có được hợp tác thương mại với nhiều quốc gia, mở ra thêm các thị trường mới cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội xuất khẩu. Về đầu tư công, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chạy đua hoàn thành và khởi công trong năm nay sẽ tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng. Thêm các tuyến cao tốc, cầu đường được hoàn thành và đưa vào khai thác, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng và liên kết vùng.
Về thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, Việt Nam đã có chính sách đột phá, đó là Nghị định 182 vừa được ban hành, cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ cao của đất nước.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nghị định này mang tính chiến lược, thu hút "đại bàng" công nghệ, để Việt Nam phát triển những trung tâm công nghệ tiên tiến tầm thế giới. Đây là động lực mạnh mẽ cho phát triển, tăng trưởng, không chỉ một năm mà cho tương lai.
Còn một nguồn động lực rất lớn được kỳ vọng, đó chính là Việt Nam tinh gọn bộ máy, xây dựng một nền hành chính công hiện đại với đội ngũ cán bộ công chức giỏi chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao. Hệ thống hành chính hoạt động minh bạch, lành mạnh, sẽ hỗ trợ và tiếp sức cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả.