A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận "kém sắc" các doanh nghiệp ngành xây dựng

Do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng kém sắc. Thậm chí, có doanh nghiệp lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Hòa Bình lỗ kỷ lục

Trong số những doanh nghiệp thua lỗ lớn nhất phải kể đến doanh nghiệp đang giữ vị trí số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) với lỗ kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2022, HBC ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với năm 2021, lên hơn 14.122 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 31%, lên hơn 13.864 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về cả năm của doanh nghiệp giảm 68%, còn gần 258 tỷ đồng.

Các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao lên hơn 521 tỷ đồng và gần 940 tỷ đồng, tương ứng với tăng 73% và 129%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm 1.078 tỷ đồng; lợi nhuận khác âm hơn 25 tỷ đồng.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến lợi nhuận cả năm 2022 của doanh nghiệp số 1 ngành xây dựng Việt Nam này ghi nhận con số lỗ sau thuế lên đến hơn 1.140 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2022, doanh nghiệp lỗ hơn 1.201 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ghi nhận âm gần 845 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm trên 600 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cũng giảm 33%, còn 493 tỷ đồng.

Nói về kết quả kinh doanh ảm đạm này, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải thừa nhận, khó khăn của ngành xây dựng đã diễn ra trong thời gian dài, gánh nặng lớn nhất là sự tăng giá quá mạnh của nguyên vật liệu. Chưa giải quyết được vấn đề tăng giá đầu vào thì thêm cú sốc trên thị trường trái phiếu khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng kém thanh khoản, dừng thi công… Đó cũng chính là "đòn đau" đánh vào các doanh nghiệp xây dựng.

UDC lỗ năm thứ 3 liên tiếp

Tương tự, Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (HoSE: UDC) cũng ghi nhận một năm làm ăn thua lỗ. Theo đó, năm 2022, doanh thu thuần của UDC chỉ đạt hơn 131 tỷ đồng, giảm 56,7% so với cùng kỳ. Mặc dù, doanh nghiệp đã cắt giảm được hầu hết các chi phí, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ghi nhận âm hơn 36,7 tỷ đồng, cùng kỳ âm hơn 19,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ghi nhận lỗ hơn 39,2 tỷ đồng.

Đây cũng là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này, với số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 là hơn 72,2 tỷ đồng. Với việc lỗ 3 năm liên tiếp, ngàng 2/2 vừa qua, UDC đã bị Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc.

Doanh nghiệp cho biết, do thị trường bất động sản ảm đạm, trầm lắng và gần như đóng băng trong những tháng cuối năm 2022, nên kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng các lô đất mà công ty đang nắm giữ tại Dự án Nam quốc lộ 51 đã không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt của các nhà thầu xây dựng trên cùng địa bàn và việc siết chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản của Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu hoạt động xây lắp và kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty và các công ty con.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của UDC đạt hơn 917 tỷ đồng, giảm gần 12,5% so với hồi đầu năm, chủ yếu do giảm các khoản phải thu ngắn hạn còn hơn 134 tỷ đồng, tương đương giảm gần 46%; doanh nghiệp dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 30 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt hơn 277 tỷ đồng.

Lợi nhuận của SCG bị “bào mòn” 85%

Mặc dù không thua lỗ, nhưng Công ty CP Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) có kết quả kinh doanh với cả doanh thu và lợi nhuận đầu sụt giảm. Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu của SCG đạt 1.950 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 132 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước.

Trong năm, các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Chi phí tài chính tăng 48%, lên 225 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 56%, lên 86 tỷ đồng; khoản lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 7 tỷ đồng. Những yếu tố trên khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn 85%, chỉ còn 24 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ hoàn thành 46% mục tiêu doanh thu và 12% mục tiêu lợi nhuận của năm 2022.

>>>Động lực ngành xây dựng từ chuyển đổi số

Riêng trong quý IV/2022, SCG lỗ trước thuế 7,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 43 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này kể từ khi thành lập.

Không chỉ kết quả kinh doanh kém khả quan, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này cũng ghi nhận âm 1.688 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp là con số âm. Bên cạnh đó, lưu chuyển dòng tiền thuần trong năm cũng âm 198 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối năm của doanh nghiệp sụt giảm mạnh 87% so với đầu năm, chỉ còn 29 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của SCG đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 54% so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu chiếm tới 92,4% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 59%. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh 46%, lên 267 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 6.360 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Trong nó nợ vay chiếm 3.585 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 1.140 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 5,57 lần, tăng mạnh so với mức 3,36 lần hồi đầu năm. Đây là một hệ số rất lớn kể cả với ngành thâm dụng vốn như ngành xây dựng.

Coteccons thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác

Một “ông lớn” khác trong ngành xây dựng là Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) cũng có kết quả kinh doanh với lợi nhuận “đi lùi”, mặc dù doanh thu tăng khá mạnh, nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.

Cụ thể, trong cả năm 2022, CTD ghi nhận tổng donh thu thuần đạt 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại từ 2 năm dịch bệnh COVID-19. Doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm gần 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khoản lợi nhuận khác ghi nhận lãi 88 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lãi ròng gần 21 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 và cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp ngành xây dựng này.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của CTD đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 26% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11.231 tỷ đồng, chiếm gơn 59% tổng tài sản, chủ yếu đến từ khoản phải thu của khách hàng và được doanh nghiệp trích lập dự phòng khó đòi 1.049 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH BĐS Ngôi Sao Việt, đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và Công ty CP Đầu tư Minh Việt.

Tại thời điểm cuối năm, CTD có khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn gần 2.100 tỷ đồng và khoản đầu tư trái phiếu gần 567 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dành gần 249 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Doanh nghiệp cũng trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này 61 tỷ đồng.

Áp lực từ đáo hạn trái phiếu

Trong báo cáo Triển vọng ngành Xây dựng mới đây, Chứng khoán VCBS cho rằng, trong năm 2023, một lượng đáng kể trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ bắt đầu đáo hạn và tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp BĐS xét đến khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới hoặc vay tín dụng để đảo nợ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp phải sắp xếp nguồn tài chính để mua lại trước hạn các khoản trái phiếu đã phát hành để tránh rủi ro pháp lý. Việc bán hàng hoặc chuyển nhượng dự án để tạo dòng tiền gặp bất lợi khi thị trường bất động sản trầm lắng và thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Cũng theo VCBS, khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công. Áp lực sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà thầu có tỷ trọng phải thu trong cơ cấu tài sản lớn, đặc biệt khi các khoản phải thu nằm nhiều tại các chủ đầu tư nhỏ hoặc đang gặp rủi ro về sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu sai quy định và sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

“Nhiều chủ đầu tư BĐS có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Áp lực trích dự phòng phải thu tại các doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2023, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng”, Chứng khoán VCBS nhận định.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan