Lãi suất tiết kiệm giảm sâu
Bước vào quý cuối cùng của năm nay, lãi suất huy động tại phần lớn các ngân hàng tiếp tục ở mức thấp, thậm chí một số ngân hàng tiếp tục giảm vào những ngày đầu tháng 10.
Bước vào quý cuối cùng của năm, lãi suất huy động theo quy luật thông thường sẽ có xu hướng tăng dần nhằm hút nguồn vốn nhàn rỗi về ngân hàng phục vụ nhu cầu cho vay người dân và doanh nghiệp cuối năm. Nhưng năm nay lại khác, lãi suất huy động tại phần lớn các ngân hàng đều neo ở mức thấp, một số vẫn tiếp tục giảm.
Cụ thể, theo khảo sát trong ngày đầu tháng 10/2023, lãi suất huy động tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank)... tiếp tục giảm từ 0,15 - 0,3 điểm % đối với nhiều kỳ hạn.
Lãi suất huy động cao nhất tại VPBank chỉ còn 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, thay vì mức 5,8%/năm trước đó. Kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm từ 5,3%/năm xuống còn 5,1%/năm. Mức lãi suất này cũng được VPBank áp dụng cho các kỳ hạn dài 15, 18, 24 và 36 tháng.
Tại ACB, lãi suất huy động đối với tiền gửi dưới 200 triệu đồng, kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ mức 5-2-5,3%/năm xuống còn 5-5,1%/năm. Đối với tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất trên được cộng thêm 0,1%/năm. Tương tự, tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên được cộng lãi suất 0,05%/năm.
Trong khi đó, ACB giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Lãi suất huy động giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Còn tại Bac A Bank, lãi suất huy động cao nhất đã giảm từ 6,4%/năm xuống 6,25%/năm áp dụng cho số dư tiền gửi trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Bac A Bank niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng dao động từ 5,9-6%/năm; kỳ hạn từ 12-15 tháng lãi suất dao động từ 6,1-6,15%/năm. Các mức này đã giảm 0,2-0,3 điểm % so với trước đó.
Trước đó, lãi suất tiền gửi tại "big 4" - 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đồng loạt giảm xuống vùng thấp nhất ghi nhận hồi đại dịch COVID-19. Lãi suất cao nhất tại 4 ngân hàng này chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại 4 ngân hàng trên giảm còn 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng còn 4,5%/năm.
So sánh lãi suất ở các ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất hiện niêm yết tại ngân hàng Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) với 6,6%/năm; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) 6,55%/năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) cùng mức 6,5%/năm...
Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất niêm yết tại PVCombank là 6,4%/năm, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), CBBank cùng mức 6,3%/năm; Dong A Bank 6,2%/năm...
Cùng thời điểm này năm ngoái, mức lãi suất 8%/năm khá phổ biến, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đối với kỳ hạn 12 tháng và các kỳ hạn dài hơn, lãi suất thậm chí còn tiến lên 9%/năm và hơn thế nữa.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng chỉ loanh quanh ở ngưỡng 6%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng huy động cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Dù xu hướng giảm lãi suất huy động đã bắt đầu ghi nhận từ cuối quý I năm nay nhưng sau 9 tháng, dòng vốn huy động của các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa qua cho biết, đến 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng.
Về cho vay, tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Phó Thống đốc lý giải tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong nước.
Về lãi suất, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1-1,5%. Hiện nay mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn khoảng 5,5-7%/năm; cho vay trung dài han khoảng 8,5-10%/năm. Còn lãi suất của những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.
Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.