A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Intel đầu tư thêm 20 tỷ USD cho sản xuất chip ở Mỹ

Intel sẽ đầu tư hơn 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy chip mới ở bang Ohio, Mỹ khi áp lực cạnh tranh với hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC và Samsung Electronics ngày càng lớn hơn.

Trước đó, TSMC và Samsung Electronics đã công bố các kế hoạch đầu tư trị giá hàng tỷ đô la để mở rộng công suất trong năm nay.

Intel cho biết các nhà máy mới sẽ trải rộng gần 1.000 mẫu Anh (trên 4 km2) ở Hạt Licking - cách thủ phủ Columbus của bang Ohio khoảng 30 dặm (49 km). Đầu tư vào khu dự án này có thể lên tới 100 tỷ USD trong thập kỷ tới, biến nơi đây trở thành một trong những cứ điểm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, theo Nikkei Asia.

"Khu sản xuất khổng lồ này (megasite) có thể chứa tổng cộng tám nhà máy chip trong suốt vòng đời của nó", Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết hôm thứ Sáu tại một webcast sự kiện từ Ohio.

"Hôm nay chúng tôi bắt đầu với hai nhà máy đầu tiên, với ý định rõ ràng là sẽ xây dựng thêm", ông nói.

Intel cho biết quá trình xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022, và sản xuất bắt đầu vào năm 2025. Các xưởng đúc chip Ohio sẽ bổ sung cho các cơ sở sản xuất của Intel ở Arizona, nơi Intel đã công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD vào năm ngoái để xây dựng hai nhà máy chip mới.

Tin tức mới nhất về Intel được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng chip của Mỹ, và Trung Quốc theo đuổi khả năng tự cung, tự cấp chất bán dẫn. Thiếu hụt chip toàn cầu đang làm phiền các nhà sản xuất ô tô và các thương hiệu điện tử, cho thấy những nỗ lực này là cấp thiết.

"Trung Quốc đang làm mọi thứ có thể để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, nhằm vượt lên trước tất cả chúng ta và có rất nhiều ứng dụng, trong đó có các ứng dụng quân sự", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington hôm thứ Sáu.

"Thông báo của Intel hôm nay là tín hiệu cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, rằng kể từ bây giờ, các sản phẩm thiết yếu của chúng tôi sẽ được sản xuất tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", Thống đốc bang Ohio Mike DeWine, thành viên của Đảng Cộng hòa, phát biểu tại sự kiện Ohio.

Biden, đảng viên Đảng Dân chủ, sử dụng thông báo của Intel để thúc giục Hạ viện thông qua Đạo luật CHIPS, theo đó 52 tỷ USD sẽ được dành cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Dự thảo hiện đang kẹt ở Hạ viện kể từ khi được thông qua ở Thượng viện vào tháng 6 năm ngoái.

"Tôi muốn các thành phố và tiểu bang khác có thể đưa ra tuyên bố như tuyên bố được đưa ra ở đây, hôm nay", ông nói. "Và đó là lý do tại sao tôi muốn thấy Quốc hội thông qua dự luật này ngay lập tức và đưa nó đến bàn làm việc của tôi".

Intel tất nhiên là đối tượng ủng hộ đạo luật; đạo luật sẽ cung cấp hỗ trợ chính phủ rất cần thiết và các khuyến khích tài chính để tập đoàn cạnh tranh với TSMC và Samsung.

"Chúng tôi đang xây dựng khu dự án", Gelsinger nói tại sự kiện ở Ohio. "Chúng tôi đang bắt đầu. Nhưng chúng tôi cần Quốc hội hành động nhanh chóng và chắc chắn để Đạo luật CHIPS được thông qua và sắp xếp tiền hỗ trợ, vì tôi muốn dự án lớn hơn và nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ của Đạo luật CHIPS".

Intel phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi các đối thủ châu Á có kế hoạch rót thêm hàng tỷ đô la mở rộng năng lực sản xuất chip. Trong bối cảnh Washington hy vọng sẽ đưa nhiều sản xuất chất bán dẫn vào Mỹ, Intel đang thúc đẩy chính quyền Mỹ ưu tiên các công ty trong nước hơn là các nhà đầu tư nước ngoài như TSMC và Samsung.

Tháng 11, Samsung thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới ở Texas. Trước đó, tháng 6, TSMC thông báo bắt đầu xây dựng một nhà máy chip 12 tỷ USD ở Arizona.

"Chúng tôi tin chắc rằng nên có các xưởng đúc chip của TSMC và Samsung ở Mỹ, nhưng chúng tôi cũng tin rằng Đạo luật CHIPS nên ưu tiên cho các tài sản thuộc sở hữu trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ như Intel", CEO Gelsinger nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến được tổ chức bởi nhóm tư vấn của Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở tại Washington, ngày 10/1.

Theo công ty nghiên cứu Mỹ Gartner, Intel đã đánh mất ngôi vương doanh thu chất bán dẫn vào tay Samsung năm 2021. Gartner cho biết doanh thu của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tăng 31,6% năm 2021 lên 75,9 tỷ USD, trong khi Intel rơi xuống vị trí thứ hai với mức tăng trưởng chỉ 0,5%, đạt 73,1 tỷ USD.

Samsung đã tiết lộ kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực chất chất bán dẫn, trong đó có mua bán và sáp nhập, trong nỗ lực xây dựng "kho vũ khí" để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ.

Trong khi đó, TSMC tuần trước công bố ngân sách vốn kỷ lục, lên tới 44 tỷ USD, vào năm 2022 với mục tiêu mở rộng công suất, để đạt kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm đến 2023. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã chi mức kỷ lục 30 tỷ USD cho đầu tư trong năm 2021.


Tác giả: Theo Kim Ngân/nhadautu.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết