A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng lợi chính sách, thị phần doanh nghiệp dược nội địa có thể gia tăng năm 2025

Các quy định ngành Dược được thông qua trong năm 2024 được cho là sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho các doanh nghiệp nội địa, nhưng vẫn còn đó một số lo ngại.

Các chính sách tác động ngành Dược năm 2025

Trong năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03 và 07/2024 (có hiệu lực từ tháng 5/2024), trong đó quy định không cho phép các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu thuốc Nhóm 1 và 2 đối với các loại thuốc mà có ít nhất 3 công ty trong nước có thể sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng EU GMP.

Nguồn minh họa: Jobya

Theo SSI, sự thay đổi chính sách này có thể sẽ tăng cường đáng kể thị phần dành cho các công ty dược phẩm Việt Nam với các loại thuốc nhóm 1 & 2 - nơi thị trường bị chi phối phần lớn bởi thuốc nhập khẩu. Các doanh nghiệp như Dược Hậu Giang (HOSE: DHG), Imexpharm (HOSE: IMP), Dược Bình Định (HOSE: DBD), Dược Hà Tây (HNX: DHT)… được kỳ vọng hưởng lợi, vì đều sở hữu dây chuyền sản xuất đạt hoặc dự kiến đạt chuẩn EU GMP trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thông qua Kế hoạch Triển khai Chiến lược Dược Quốc gia, có hiệu lực từ tháng 2/2024, Luật Dược (sửa đổi) từ tháng 7/2025 và Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) từ tháng 1/2025.

Nhìn chung, các quy định sẽ hướng đến chuyển đổi ngành theo diện ưu tiên phát triển công nghiệp dược trong nước; đồng thời tạo hành lang pháp lý, bổ sung quyền và trách nhiệm cho các chuỗi nhà thuốc và thuốc được bán qua các nền tảng thương mại điện tử. Các thủ tục đăng ký thuốc cũng được đơn giản hóa để giảm chi phí cho nhà sản xuất. Ngoài ra, các bệnh viện được khuyến khích đầu tư thêm vào dịch vụ chất lượng cao cho bệnh nhân.

Cũng theo các chuyên gia của SSI, những quy định này tạo ra động lực để nhóm công ty ngành dược đầu tư vào phát triển thuốc mới cũng như năng lực sản xuất, tăng cạnh tranh với thuốc nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, câu chuyện thực tế cũng chưa hẳn đã rõ ràng. Trao đổi với người viết, bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc DBD - cho biết: Luật Dược (sửa đổi) mới chỉ ra quy định khung và chưa có Nghị định, Thông tư để triển khai hay đánh giá tác động.

Bên cạnh đó, bà nhận định, Luật Dược mới sẽ cho phép vấn đề gia hạn thuận lợi hơn, nhưng làm gia tăng áp lực cạnh. “Nội dung này, Bộ Y tế vừa ban hành thông tư hướng dẫn, Cục Dược cũng đã và đang đẩy nhanh tiến độ cấp số đăng ký. Bên cạnh thuận lợi về việc được cấp số đăng ký nhanh thì mặt tác động tiêu cực là sự cạnh tranh trên thị trường vô cùng khốc liệt khi một hoạt chất có đến vài chục số đăng ký.

Chu kỳ sống của sản phẩm trên thị trường là rất ngắn, trong khi chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển lại rất lớn. Việc quản lý giá trong bối cảnh hiện nay cũng thực sự không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới” - theo bà Hương.

Luật BHYT sửa đổi sẽ hỗ trợ doanh thu kênh ETC

Ngày 27/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2025.Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Luật BHYT sửa đổi giúp mở rộng quyền được hưởng BHYT của người tham gia thông qua việc xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh của các cơ sở khám chữa bệnh và bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở chữa bệnh, cũng như phí dịch vụ cận lâm sang khi chuyển cơ sở khám chữa bệnh; Đồng thời, cập nhật những cải tiến công nghệ trong việc thực hiện BHYT.

Từ đây, VDSC tin rằng BHYT trở nên hấp dẫn hơn, thu hút thêm người tham gia, qua đó tạo tác động tích cực đến kênh bệnh viện và phòng khám (ETC). Doanh thu dược phẩm kênh ETC được nhận định sẽ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành.

Kỳ vọng các kênh chính tăng trưởng

Theo SSI, triển vọng năm 2025 cho ngành dược sẽ tươi sáng hơn, kỳ vọng các kênh chính đều tăng trưởng. Kênh bệnh viện/thuốc kê đơn (ETC) dự kiến sẽ duy trì đà tăng nhờ các chính sách thuận lợi, trong khi kênh bán lẻ (OTC) dự kiến đã chạm đáy, sẽ phục hồi một phần nhờ kinh tế tăng trưởng.

Tăng trưởng doanh thu của các công ty dự kiến đạt 12%, vượt mức trung bình của ngành trong 2 năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 22%, phục hồi sau năm 2024 đầy thách thức.

Tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá có thể làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu trong năm 2025. Ngoài ra, tác động của các khoản đầu tư theo xu hướng của Chính sách có thể mất từ 1-2 năm để giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các công ty.

Dù vậy, trong ngắn hạn, Thông tư 07 vẫn là động lực chính đối với tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp như IMP hay DBD, do các công ty thuốc nhập khẩu sẽ bị bất lợi so với các công ty sản xuất thuốc trong nước. Vì vậy, SSI cho rằng, mảng bệnh viện tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa tư nhân nhiều hơn 50 giường tại các tỉnh trên cả nước.

Những bệnh viện này cung cấp cho bệnh nhân các dịch vụ cũng như chăm sóc tốt hơn mà không cần phải đến Hà Nội hoặc TPHCM. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân hiện tại khoảng 5.8% của tổng giường bệnh cả nước - thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 10% trước năm 2025.

- 08:17 15/01/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết