A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ sức nóng của cải cách

“Cải cách điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là thương hiệu của Chính phủ nhiệm kỳ này…”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. Trên thực tế, các DN cảm nhận rất rõ những cải cách này, song chất lượng cải cách vẫn là điều đáng bàn.

Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh

Việc tạo nên thương hiệu của Chính phủ chính là sự quyết liệt và nỗ lực của Chính phủ khi tiến hành hai chương trình cải cách quan trọng. Đó là việc hàng ngàn ĐKKD có tại hàng trăm thông tư của các bộ, ngành được bãi bỏ hoặc chuyển đổi lên cấp nghị định của Chính phủ; đó là tiến hành một chương trình rà soát và đơn giản hoá ĐKKD lớn nhất từ trước đến nay.

Với Chính phủ, ĐKKD luôn là một trọng tâm nóng. Sự nỗ lực quyết liệt của Chính phủ thể hiện ở số lượng gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách được ban hành trong 3 năm 2017-2019. “Có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về ĐKKD”, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá. “Trên thực tế, các DN cảm nhận rất rõ những cải cách này. Điều tra thường niên 10.000 DN tại 63 tỉnh, thành phố của VCCI cho thấy tỷ lệ DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48%, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%”, ông Đậu Anh Tuấn đồng tình cho biết.

Ảnh minh họa

Nhưng phía DN và các chuyên gia vẫn thấy chưa hài lòng. Về tốc độ, sau làn sóng mạnh mẽ và đồng loạt ở các bộ ngành diễn ra năm 2018 dưới sự giám sát gắt gao của Chính phủ thì năm 2019 các bộ có vẻ im ắng. Và phía trong đó là những cải cách không thực chất hay vẫn còn có những ĐKKD thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy tiện của cơ quan quản lý nhà nước.

“Với các ĐKKD như hiện nay thì ngay cả những người thành công bên Mỹ như Bill Gates cũng sẽ không được làm gì trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vì ông ta không có chứng chỉ, bằng cấp về công nghệ thông tin, không có bằng đại học”, bà Thảo nói.

Theo phát hiện của CIEM tuy trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ là 243 ngành nghề nhưng thực tế nhiều hơn, vì trong mỗi ngành nghề đó lại có những điều kiện cho ngành nghề khác liên quan. Ví dụ, trong quy định về Hoạt động xuất bản, thì trong đó bao gồm Điều kiện thành lập nhà xuất bản; Điều kiện hoạt động xuất bản phẩm điện tử… Theo bà Thảo nếu đánh giá đúng thực chất thì ĐKKD chỉ giảm được 30%, không phải là 50% như báo cáo, đang có hiện tượng ĐKKD trong ĐKKD (giấy phép trong giấy phép). “Ở nhiều ngành, nhiều nơi cải cách chỉ như để trình diễn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Thay đổi tư duy sẽ không còn rào cản

Cũng bàn về chất lượng cải cách, TS. Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng CIEM chưa hài lòng với kết quả “đạt mục tiêu cắt giảm 50% ĐKKD”. “Chúng tôi đã từng đề nghị “cắt bỏ” 3/4 số ĐKKD đang có, sau đó là đề nghị bãi bỏ 50% ĐKKD. Nhưng rồi văn bản cuối cùng lại là “cắt bỏ, đơn giản hóa” 50% số ĐKKD”. Với mục tiêu kiểu này thì chỉ bỏ đi một từ cũng được tính là đơn giản hóa, chỉ cắt bỏ 1 điều kiện, còn lại là đơn giản hóa, cũng được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng cảm nhận như vậy, ông Tuấn cho biết, vẫn còn một số vấn đề khá quan ngại trong hệ thống pháp luật kinh doanh, đó là tư duy và cách thức quản lý vẫn chưa đảm bảo về quyền tự do kinh doanh khi vẫn còn tồn tại một số quy định mang dáng dấp của tư duy “cũ” – chỉ cho phép kinh doanh những gì pháp luật quy định; vẫn sử dụng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường. “Điều đáng ngạc nhiên là biện pháp quản lý phản ánh thị trường này vẫn xuất hiện trong quá trình soạn thảo chính sách”, ông Tuấn cho biết. (Ví dụ có tư duy quy định về mật độ chăn nuôi cho các vùng trên cả nước, ở từng địa phương, có nghĩa là sẽ giới hạn số lượng bao nhiêu con lợn, bao nhiêu con gà được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính…). Thậm chí, rất đáng lo ngại trước xu hướng hiện nay là cơ quan nhà nước muốn thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là bớt đi.

Nêu lên những điều này, ông Tuấn đưa ra thông điệp “chỉ cần tư duy thay đổi là rào cản không còn… Sẽ không có rào cản nào trong việc bãi bỏ ĐKKD nếu tư duy vượt lên sự tuân thủ, vượt lên sự chỉ đạo”.

Khẳng định “Cộng đồng DN vẫn còn nhiều kỳ vọng”, ông Tuấn cho biết, đó là kỳ vọng tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, là trước khi ban hành quy định cần tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định; đó là loại bỏ những quy định không minh bạch; đó là chống cài cắm lợi ích.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, rà soát, cắt giảm ĐKKD là việc làm thường xuyên, lâu dài. Về bản chất ĐKKD ở một phía là công cụ quản lý của Nhà nước, ở phía kinh doanh thì đây là rào cản. Nếu rào cản này bất hợp lý sẽ cản trở ý tưởng kinh doanh xuất hiện, ngăn chặn tiếp cận cơ hội kinh doanh, làm tăng chi phí kinh doanh, làm cho thị trường trở nên méo mó hơn ít cạnh tranh hơn, tiếp cận thị trường khó khăn hơn và làm cho nền kinh tế kém hiệu quả và giảm thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế cho thấy đã có chuyện cắt bỏ ĐKKD này lại có thêm ĐKKD khác dưới, đã có hiện tượng ĐKKD trá hình… Để cải cách ĐKKD đi vào thực chất, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi mà những ĐKKD không phù hợp được bãi bỏ thì các cơ quan quản lý nhà nước mới tư duy khác về công cụ quản lý nhà nước. “Chúng ta đã nhiều năm nỗ lực và đã đạt được khá nhiều thành tựu. Nhưng dường như đang chững lại. Nếu chững lại những thành tựu đạt được sẽ dần mai một”, ông Cung nói và nhấn thêm rằng: “Chúng ta không được làm nguội lò cải cách, phải giữ ngọn lửa cải cách. Đó là quan trọng”.

Tri Nhân

 

 


Nguồn:thoibaonganhang.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan