Du lịch phục hồi, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn có sự phân hóa
Ngành Du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp ngành Du lịch, giải trí vẫn có sự phân hóa mạnh.
Đầm Sen lãi vượt thời điểm trước dịch
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 vừa công bố, Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt hơn 232 tỷ đồng, tăng mạnh 828% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 108 tỷ đồng, tăng mạnh lên 328% so với lợi nhuận của năm 2021. Mức lợi nhuận này cũng đã vượt lợi nhuận thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019 lợi nhuận của DNS đạt 95 tỷ đồng). Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong suốt lịch sử hoạt động của Đầm Sen.
Trong cơ cấu doanh thu của Đầm Sen, vé vào cổng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn với hơn 191 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số hoạt động khác như: Thu từ dịch vụ ăn uống đạt gần 37 tỷ đồng, chiếm 15% doanh thu và Dịch vụ gửi đồ cũng đóng góp 3% vào doanh thu của Đầm Sen.
Tính đến cuối năm, tổng tài sản của Đầm Sen đạt hơn 283 tỷ đồng, tăng 41,5% so với đầu năm, chủ yếu đến từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng hơn 55%, lên 163 tỷ đồng; các khoản mục khác biến động không đáng kể. Hàng tồn kho ghi nhận chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Đầm Sen gần như không có vay nợ. Tính đến cuối năm, tổng nợ của Đầm Sen chỉ hơn 32,5 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 31,8 tỷ đồng. Trong đó, hơn 10,3 tỷ đồng phải trả cho người lao động và 8 tỷ đồng dự phòng phải trả ngắn hạn.
Ngược lại, doanh nghiệp sở hữu công viên nước lâu đời tại TP.HCM này đang nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lên đến hơn 253,5 tỷ đồng và hiện đang được gửi ở ngân hàng với nhiều kỳ hạn khác nhau. Điều này đã mang lại 14,7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính cho DSN.
Theo giải trình về doanh thu và lợi nhuận tăng cao của của doanh nghiệp, từ quý II/2022, hoạt động kinh doanh của công ty đã có sự phục hồi mạnh mẽ do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, độ bao phủ của vắc xin rộng rãi trong cả nước, nên nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng cao, vì vậy khách đến Công viên nước Đầm Sen cũng tăng. Đồng thời, công ty cũng luôn chú trọng đẩy mạnh các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, thực hiện các chương trình để thu hút khách hàng.
Vietravel cắt mạch lỗ sau 2 năm
Tương tự, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải – Vietravel (UpCOM: VTR) cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh so với năm trước. Cụ thể, cả năm 2022, Vietravel đạt 3.814 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 6 lần so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 122 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ hơn 256 tỷ đồng của năm 2021. Với kết quả này, “ông lớn” ngành du lịch Vietravel đã thoát lỗ sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Trong năm 2022, hầu hết các chi phí của doanh nghiệp đều không tăng hoặc giảm so với cùng kỳ. Theo đó, chi phí tài chính bằng 67% và chi phí bán hàng bằng 70% cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp bằng với xấp xỉ năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Vietravel đạt gần 1.867 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với đầu năm, chủ yếu đến từ: Tiền và tương đương tiền, giảm hơn 26%, xuống còn hơn 81 tỷ đồng; Tài sản ngắn hạn khác giảm hơn 24%, xuống còn hơn 162 tỷ đồng; Đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh 88%, xuống còn hơn 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương với 15%, xuống còn hơn 1.738 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giảm vay và nợ thuê tài chính dài hạn, do doanh nghiệp đã trả xong khoản nợ trái phiếu dài hạn 500 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của Vietravel giảm xuống còn gần 67,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đồng thời thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Tuy vậy căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, cổ phiếu VTR bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do âm vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch cổ phiếu VTR vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Với việc có lãi trở lại, tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch sẽ được khắc phục, nếu báo cáo tài chính sau kiểm toán vẫn giữ được mức lợi nhuận cao trên.
HOT lỗ liên tiếp, cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết
Không được may mắn với lợi nhuận tăng mạnh như các doanh nghiệp trên, Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) đã trải qua năm thứ 3 kinh doanh bết bát. Cụ thể, năm 2022, mặc dù doanh thu thuần của tăng 57,6% so với cùng kỳ, kên gần 41 tỷ đồng, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp về ghi nhận lỗ hơn 7 tỷ đồng.
Trong năm, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm mạnh chỉ còn gần 75 triệu đồng, tương đương giảm hơn 86,3% so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh hơn 1.390%, lên 164 triệu đồng, chủ yếu do tăng lãi vay. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều tăng, khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng.
Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ. Theo đó, năm 2020, doanh thu giảm mạnh xuống còn hơn 33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 23 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu của HOT tiếp tục giảm xuống mức hơn 25,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm gần 21 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 của HOT là hơn 64,4 tỷ đồng.
Với việc kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu HOT đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, khi ngày 1/3 mới đây, HoSE đã gửi văn bản cảnh báo HOT về khả năng cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.
Trong bối cảnh này, HOT đã đề ra một loạt giải pháp khắc phục như: Tiếp tục tập trung nghiên cứu, dự báo thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn khách tăng trưởng; nâng chất lượng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ; cải thiện chất lượng quản trị tài chính, tăng cường tiết kiệm, giám sát chi phí… Đồng thời, mong tiếp tục được duy trì cổ phiếu trên sàn HoSE.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho biết, ngày 31/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP về việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 đối với doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, theo đó, số tiền thuê đất công ty được giảm hơn 2,3 tỷ đồng. Vì vậy công ty sẽ điều chỉnh trong đợt kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022, cụ thể điều chỉnh lỗ lũy kế xuống còn hơn 62,1 tỷ đồng.
Ninh Vân Bay lỗ lũy kế vượt vốn chủ
Một doanh nghiệp khác trong ngành Du lịch, giải trí là Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT) cũng có một năm 2022 kinh doanh kém sắc. Cụ thể, cả năm 2022, Ninh Vân Bay đạt 337 tỷ đồng doanh thu thuần, cao hơn 2,7 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cổ đông thiểu số hưởng lãi hơn 29 tỷ đồng, nên kết quả Ninh Vân Bay vẫn báo lỗ ròng 12 tỷ đồng trong năm 2022.
Riêng quý IV/2022, NVT đạt gần 72 tỷ đồng doanh thu, tăng 77% so với cùng kỳ. Nhưng do các chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí bán hàng tăng mạnh lên 262,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 144%, nên doanh nghiệp lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tài chính mang về hơn 7,4 tỷ đồng, tăng rất nhiều so với hơn 716 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Do đã lỗ lớn vào những năm trước, năm 2015 lỗ 128 tỷ đồng và năm 2017 lỗ nặng nhất với 479 tỷ đồng, nên số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 của doanh nghiệp sở hữu khách sạn 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay nổi tiếng tại TP Nha Trang này đã lên đến hơn 742 tỷ đồng, trong khi, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 905 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là gần 534 tỷ đồng.
Không chỉ sở hữu khách sạn 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng”, NVT còn có diện tích 55ha đất thuê ngoài đảo, 95 ha mặt nước biển tại khu vực Bãi Lớn và Bãi Nhỏ, cách TP Nha Trang 8 km. Đây là một trong những resort nổi tiếng nhất và nằm trong số ít khu resort của Việt Nam nhận nhiều giải thưởng của thế giới về du lịch. NVT ngoài ra sở hữu và vận hành hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao khác như: Six Sences Sai Gon River, Ana Mandara Đà Lạt Resort, Lạc Việt New Tourist City và Emralada Ninh Bình…
Ngành Du lịch 2023 dự báo nhiều tín hiệu khởi sắc
Có thể nói ngành Du lịch, giải trí là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam cũng như thế giới, khiến lượng du khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh. Ngành du lịch chỉ mới thực sự mở cửa từ 15/3/2022. Do bị dồn nén trong thời gian dài, nên nhu cầu du lịch nội địa tăng mạnh, nhưng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam vẫn còn khiêm tốn vì các tác động từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao ở châu Âu và Mỹ… Đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất nhưng vẫn chưa mở cửa trong năm 2022.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,66 triệu lượt người, tăng gấp 23,3 lần so với năm 2021, nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Hàn Quốc là quốc gia đóng góp lượng khách quốc tế đến Việt Nam đông nhất, với khoảng 965.366 lượt người trong năm 2022.
Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế khoảng 8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2023, ngành du lịch tập trung vào việc công bố “Quy hoạch hệ thống Du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, triển khai chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án ứng dụng công nghệ Công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn …
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt người, tăng gấp 33 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thị trường du lịch với Việt Nam (trong số 20 nước được cho phép tổ chức các tour du lịch từ Trung Quốc ra nước ngoài thì chưa có Việt Nam), nhưng các doanh nghiệp hy vọng việc này sẽ sớm được tháo gỡ và cùng với những chính sách vĩ mô trên của ngành Du lịch, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 dự báo sẽ tăng cao, góp phần tiếp tục cải thiện lợi nhuận năm.