A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp trúng thầu sân bay Long Thành: Cổ phiếu bứt phá 55% trong 3 phiên

Cổ phiếu của một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và giám sát đã nhảy vọt 50% trong 3 phiên ngay sau thông tin trúng thầu với gói tư vấn trị giá 630 tỷ đồng của dự án sân bay Long Thành.

Trong phiên 29/06, CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Coninco (Coninco) chứng kiến cổ phiếu tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp lên 58,500 đồng/cp. Nhìn lại, cổ phiếu này đã leo dốc 50% trong 3 phiên qua và tăng 95% nếu tính từ đầu năm.

Những bước chạy phi mã diễn ra ngay sau khi có thông tin CNN nằm trong nhóm 2 công ty trúng thầu gói 5.12 - tư vấn giám sát, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà ga hành khách, dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu này có giá trị hơn 630 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 33 tháng.

Bên cạnh CNN, gói thầu này cũng có sự tham gia của một nhà thầu ngoại quốc là Công ty Japan Airport Consultants.

Tùng tư vấn cho hàng loạt cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Nội Bài

Nhìn vào lịch sử hoạt động, cũng có thể hiểu tại sao Coninco được chọn. Đây là doanh nghiệp đã từng tư vấn cho nhiều cảng hàng không khác, như Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vinh, Cam Ranh và gần đây hơn là Phú Bài. Ngoài ra, Coninco cũng thực hiện tư vấn cho nhiều công trình xây dựng bệnh viện, sản xuất, trường đại học khác.

Coninco tiền thân là Viện nghiên cứu chuyên ngành công nghệ và tổ chức xây dựng được thành lập vào năm 1979. Đây là một doanh nghiệp chuyên về tư vấn đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm giám sát công trình, quản lý dự án, thiết kế, lập dự án, kiểm định... 

Hiện Coninco có 9 công ty thành viên trong các mảng kỹ thuật cơ điện, máy xây dựng và công trình công nghiệp, môi trường, quản lý dự án... Phạm vi hoạt động chủ yếu của Conicon là Hà Nội, Tp. HCM và Hải Phòng.

Hiện ban lãnh đạo của Coninco nắm gần 69% cổ phần, trong đó nắm nhiều nhất là Chủ tịch Nguyễn Văn Công, Tổng Giám đốc Phan Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Xuân Hải với tỷ lệ sở hữu tương ứng 23.17%, 9.61%, 10.07% và 15%.

Ngoài ra, còn có các cổ đông lớn bên ngoài như Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (thuộc Bộ Xây dựng) nắm 19.70%, CTCP Công nghệ và Đầu tư Quốc tế HM Holdings và người có liên quan nắm gần 10.5%.

Giai đoạn 2019-2022, Coninco luôn tăng trưởng về doanh thu, trong khi lãi ròng duy trì ở mức 11-13 tỷ đồng. Hàng năm, Coninco vẫn chia cổ tức tiền mặt đều đặn ở mức 850-950 đồng/cp.

Trong năm gần nhất, công ty ghi nhận doanh thu kỷ lục 440 tỷ đồng, tăng 10.3% so với cùng kỳ, trong khi lãi ròng gần như đi ngang ở mức 12.5 tỷ đồng. Hiện 90% doanh thu của Coninco xuất phát từ mảng tư vấn.

Cho năm 2023, Coninco đặt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 14.5 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp đang nắm hơn 482 tỷ đồng ở tài sản ngắn hạn, trong đó 115 tỷ đồng tiền mặt và 303 tỷ đồng khoản phải thu. Tài sản dài hạn ở mức 392 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định và bất động sản đầu tư.

Ở phần nguồn vốn, nợ phải trả của Coninco lên tới 738 tỷ đồng, trong đó 511 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu ở mức 137 tỷ đồng.

Bất đồng về quản trị công ty

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, nhiều cổ đông đã chất vấn về vấn đề quản trị của công ty, trong đó trao quyền quá nhiều cho Chủ tịch HĐQT.

Cổ đông cho rằng cần quy định về việc bổ nhiệm các chức danh quản lý khác như kế toán trưởng, các trưởng bộ phận chuyên môn thuộc thẩm quyền của HĐQT, vì đây là các chức danh quan trọng trong cơ cấu tổ chức của công ty, không nên để Chủ tịch HĐQT quyết định. Theo họ, điều này dễ tạo ra cơ chế để lũng đoạn quyền lực.

Ngoài ra, cổ đông cũng kiến nghị cần quy định rõ trong điều lệ chức danh Trưởng Ban kiểm soát phải là chuyên trách, không kiêm nhiệm các chức danh quản lý khác (cụ thể là Giám đốc Trung tâm dịch vụ quản lý tòa nhà) như đang diễn ra tại Coninco vì điều này vô hình trung sẽ vô hiệu hóa vai trò của Trưởng Ban kiểm soát trong việc giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của HĐQT, Ban Tổng giám đốc. Nếu Trưởng Ban kiểm soát nằm dưới quyền quản lý của các chức danh khác sẽ không đảm bảo tính công bằng, minh bạch của chức danh này. Đặc biệt, khi Coninco là công ty cổ phần đại chúng có phần vốn của nhà nước.

Một nội dung khác cũng được bàn luận là thẩm quyền quyết định, phê duyệt các giao dịch có giá trị dưới 35% tổng tài sản Công ty thuộc về Chủ tịch HĐQT. Các cổ đông cho rằng CNN là công ty đại chúng, có tổng tài sản gần 1,000 tỷ đồng, việc một người có thể quyết định giao dịch lên tới hơn 300 tỷ đồng là không phù hợp. Đặc biệt Coninco còn có 19.7% phần vốn nhà nước.

Một nội dung khác là việc quyết định, phê duyệt các quy chế quản trị nội bộ trong mọi trường hợp phải do ĐHĐCĐ phê duyệt, không ủy quyền cho HĐQT vì đây là thẩm quyền luật định của ĐHĐCĐ. “Chúng tôi không đồng ý ủy quyền cho HĐQT ban hành các quy định về tiếp cận thông tin vì nếu để HĐQT thực hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được tiếp cận thông tin của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ”, một cổ đông nêu vấn đề.

Dù nêu vấn đề, nhưng kết thúc đại hội, cổ đông dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết