Doanh nghiệp Hàn Quốc nộp 175.000 tỷ đồng thuế, kiến nghị gỡ loạt chính sách
Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phản ánh vướng mắc tới Bộ Tài chính như: Giờ làm thêm của người lao động vượt trần, chậm hoàn thuế giá trị gia tăng... Trong khi đó, Bộ Tài chính khẳng định đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có đối với doanh nghiệp nói chung, cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng.
Chiều 29/2, Bộ Tài chính tổ chức đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc năm 2023 - 2024.
Nhiều bất cập về thuế, làm thêm giờ
Tại đối thoại, ông Choi YoungSam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - phản ánh, các vướng mắc của DN Hàn Quốc gồm: Đánh thuế hai lần đối với thu nhập phụ thu từ hoạt động vận chuyển quốc tế, chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng...
Đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) kiến nghị về tiền lương làm thêm vượt trần của người lao động không được tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, DN phát sinh giờ làm thêm vượt 200 giờ làm thêm/người/năm không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
“Quy định mức trần giờ làm thêm 16 giờ/tháng/người khiến DN gặp khó khăn. DN làm thủ tục xin tăng giờ làm việc làm thêm khi tính chi phí tính thuế TNDN, cơ quan quản lý tại địa phương không đồng ý. Trong khi đó, nhiều DN phải cho người lao động làm thêm để đảm bảo đơn hàng vì không tìm đủ người lao động. Vì vậy, chúng tôi xin hỏi cơ quan thuế, việc người lao động chủ động làm thêm vượt mức quy định có được tính vào chi phí trừ thuế TNDN hay không?”, đại diện Kocham đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc của DN, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Thuế - cho biết quy định pháp luật nêu rõ, người lao động có trần làm thêm không quá 200 giờ, công việc đặc thù không quá 300 giờ/người/năm. Vì vậy, DN cần tìm giải pháp khác để hài hoà giữa quy định pháp luật và đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm văn bản của DN Hàn Quốc đầu tư trên cả nước liên quan hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Tiêu biểu như chính sách về hoàn thuế giá trị gia tăng, vướng mắc thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, về ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…
“Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN nói chung và DN Hàn Quốc nói riêng. Giá trị chính sách hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ", ông Tuấn nói.
DN Hàn Quốc nộp gần 175.000 tỷ đồng tiền thuế
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trải qua hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2024), Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, tình hình thế giới biến động khó lường và phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; rủi ro tài chính, tiền tệ trên toàn cầu có xu hướng gia tăng nhưng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn được duy trì bền vững và ngày càng được tăng cường, thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng.
Luỹ kế đến tháng 1, có gần 9.900 dự án Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. “Trong 5 năm vừa qua, dù ảnh hưởng bởi khó khăn của dịch COVID-19 và bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng DN Hàn Quốc đã đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 175.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Một trong những DN Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam là Tập đoàn Samsung. Tại buổi làm việc với ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - ngày 28/2, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam với tiềm năng xuất khẩu và tăng trưởng.
Đến nay, tổng lũy kế đầu tư của Samsung tại Việt Nam đạt trên 22 tỷ USD. Năm 2024, Tập đoàn Samsung kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 10%.