Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu đảo nợ, thị trường giảm áp lực
Nhiều điểm mới tại Nghị định 65/2022 trong đó cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vốn đúng mục đích, bao gồm để cơ cấu lại nợ (tức đảo nợ), giúp áp lực thanh khoản giảm bớt.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch SaigonRatings
Ông Phùng Xuân Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (SaigonRatings), một tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chia sẻ cùng DĐDN quan điểm về vấn đề này.
- Nghị định số 65 /2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có nhiều quy định mới vừa được Chính phủ ban hành. So với các quy định trước và cả các bản dự thảo, các quy định tại Nghị định bước đầu được thị trường đón nhận ra sao, theo ông?
Ông Phùng Xuân Minh: Có thể nói Nghị định số 65 của Chính phủ ban hành đã đáp ứng được nhiều vấn đề hết sức quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Thứ nhất, là Nghị định 65 đã kịp thời khắc phục được những vấn đề chưa thật sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn của phát triển thị trường trái phiếu hoặc là các lỗ hổng pháp luật của Nghị định 153 nên đã để xảy ra 1 số sự kiện vi phạm pháp luật đáng tiếc vừa qua. Đơn cử chỉ 1 sự kiện vi phạm pháp luật của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã để lại rất nhiều vấn đề hệ luỵ phức tạp và đã làm đảo lộn cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, là Nghị định mới, sẽ tạo ra khung khổ pháp lý rõ ràng, chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng cho công tác quản lý, giám sát và chế tài vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước chức năng hiệu quả hơn.
Thứ ba, là đã tạo lập được hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và minh bạch cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, bao gồm các nhà đầu tư, đại diện cho các chủ sở hữu trái phiếu và công ty tư vấn phát hành…v v.
Thứ tư, là Nghị định ra đời đã đáp ứng được sự mong đợi cấp thiết của các doanh nghiệp trên thị trường, để có thể tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư trung hạn và dài hạn. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, sau giai đoạn đại dịch Covid -19 vừa qua và trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận kênh huy động vốn từ các Ngân hàng thương mại.
Vấn đề cuối cùng, là Nghị định mới ra đời đã sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề hết sức cấp thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển đúng hướng, minh bạch thông tin, an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn.
Một trong những quy định mới của Nghị định 65 là cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đúng mục đích sử dụng bao gồm tái cơ cấu nợ, tức đảo nợ. Quy định này cũng rất quan trọng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực đáo hạn nợ trái phiếu vào cuối năm và đặc biệt dồn vào 2 năm kế tiếp 2023-2024, qua đó tránh nguy cơ đổ vỡ domino trên thị trường.
Ngoài ra, các quy định của Nghị định cũng tạo niềm tin cơ sở để nhà đầu tư nhận thức luật pháp chặt chẽ hơn, có sự tuân thủ nghiêm ngặt và tạo cầu đầu tư trong thị trường một cách chất lượng, kịp thời.
Nghị định 65 bao gồm cả các quy định tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế, theo Bộ Tài chính. Ảnh: Quốc Tuấn
- Đối với các quy định về nhà đầu tư, theo ông việc “siết” quy định để nâng chất lượng nhà đầu tư như Nghị định sẽ hướng “người chơi” trên thị trường tới đích nhắm nào?
Tôi cho rằng với Nghị định 65, cơ quan quản lý đã có công cụ đầy đủ hơn để quản lý và ứng phó với các tình huống nảy sinh, tránh đưa thị trường vào rủi ro. Các ứng phó, quản lý này không chỉ đối với đối tượng chủ thể phát hành, còn giải quyết bài toán tuân thủ các chủ thể nhà đầu tư, đơn vị tư vấn một cách rõ ràng không làm đúng và có “hành lang” để khó vi phạm hơn.
Riêng đối với vấn đề nhà đầu tư, rõ ràng các quy định tại Nghị định 65 như phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận” – đồng nghĩa họ khó điều kiện “lách” mua chứng chỉ, nhà đầu tư hướng đến đảm bảo là đối tượng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, hiểu và nắm bắt, chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
>>> Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp
Các quy định như vậy bắt đầu “khuôn” thị trường theo hướng tiếp cận thông lệ, kinh nghiệm thế giới về quản lý chặt chẽ, minh bạch thông tin trên thị trường, nhà đầu tư cũng được hướng đến đầu tư trái phiếu ra công chúng nhiều hơn; và điều đó là cần thiết để thị trường trái phiếu có thể được phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế một cách đúng nghĩa.
- Trở lại với quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, và với áp lực đáo hạn nợ trái phiếu (ước khoảng vài chục nghìn tỷ đồng riêng với nhóm doanh nghiệp bất động sản đa phần là chưa niêm yết, thời gian rơi vào từ nay đến cuối năm), Nghị định có mở đường cho một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ ồ ạt tới đây?
Căn cứ trên 3 yếu tố:
Thứ nhất, nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Hiện nay như tôi vừa trao đổi doanh nghiệp có nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng tốc tăng trưởng rất lớn, vốn ngân hàng là không thể đáp ứng được vì cho dù ngân hàng có vừa nới room, tổng chỉ tiêu tăng trưởng cũng chỉ trong 14%. Nói cách khác là doanh nghiệp khó có thể trông chờ tất cả vào vốn ngân hàng.
Thứ hai, theo quyết tâm thay đổi thị trường, căn cứ trên quy định mới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ (đối với trái phiếu phát hành ra công chúng), giảm bớt chi phí thời gian của doanh nghiệp, và hồ sơ cũng có những điều kiện khó rõ ràng không phức tạp. Vì vậy tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát hành theo tốc độ cải thiện quy trình xét duyệt hồ sơ.
Thứ ba, khi các quy định về nhà đầu tư rõ ràng hơn, những đối tượng tham gia thị trường cũng đã có tâm lý sẵn sàng xem xét, đánh giá và chấp nhận rủi ro.
Với các yếu tố này, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, đặc biệt qua đầu 2023, thị trường sẽ dần trở lại bình thường và sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn, tương tực như các năm trước đây, theo hướng bền vững, an toàn hơn.
- Ông có khuyến nghị nhà đầu tư cần lưu ý gì khi xem xét trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm cơ cấu lại nợ?
Như quy định thì nhà đầu tư cá nhân không phải là những người không chuyên. Họ cũng phải tự thấy mình được rõ năng lực, tiêu chí nhà đầu tư, đồng thời nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật, thậm chí là nhà đầu tư kinh nghiệm... Do đó, chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư có các khẩu vị và lựa chọn rủi ro riêng một khi họ đã có mặt, đủ điều kiện tham gia vào thị trường. Tuy vậy, ở góc độ là đơn vị xếp hạng tín nhiệm, tôi cho rằng nhà đầu tư cũng nên thận trọng để đánh giá đầy đủ về doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo mục đích mở rộng đầu tư sản xuất đầu tư hay cơ cấu lại nợ, với các căn cứ về khả năng sản xuất, sinh lời, thu hồi vốn, đảm bảo dòng tiền trả lãi trái phiếu đúng hạn..v.v
Xin cảm ơn ông!