A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp, doanh nhân “kêu” điều kiện kinh doanh quá khắt khe

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phản ánh về những rủi ro, khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp do các điều kiện kinh doanh quá khắt khe, không phù hợp.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đã chia sẻ như vậy tại phiên thảo luận sáng 4/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Tân, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp hoặc quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường.

"Nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết", ông Tân nói.

Doanh nghiệp, doanh nhân “kêu” điều kiện kinh doanh quá khắt khe

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng)

Do đó, ông Tân kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, phân loại và có biện pháp xử lý, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh; dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, cần có các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá để tạo động lực khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp.

Cũng phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phản ánh tình trạng chồng chéo pháp luật, lãng phí cơ hội đầu tư.

Doanh nghiệp, doanh nhân “kêu” điều kiện kinh doanh quá khắt khe

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Đại biểu phản ánh, hiện còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; nhiều dự án nhà ở bỏ dở, công trình xây dựng kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành là những ví dụ về lãng phí.

Theo ông Thông, vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước.

Cũng theo đại biểu, ngay trong kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…. thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng.

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay, như các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.

Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặt thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước như bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan