A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt "rộng cửa" cạnh tranh với khối ngoại

Nghị định 71/2022/NĐ-CP ra đời sẽ giúp các doanh nghiệp OTT TV trong nước được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý khiến môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý khiến môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép.

Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD).

Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án. Quy định này được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, Nghị định số 71 bổ sung thêm một Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD. Theo đó, nội dung VOD được phân thành 3 nhóm để thực hiện. Cụ thể, nhóm thứ nhất, đối với các chương trình tin tức, thời sự, các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.

Nhóm thứ hai đối với phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại.

Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

Và nhóm thứ ba, đối với chương trình thể thao, giải trí: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Như vậy, quy định này tại Nghị định số 71 đã nới lỏng hơn so với Nghị định số 06. Doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (trước đây, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, tất cả nội dung VOD đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ).

Theo thống kê, hiện có 22 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet (còn gọi là OTT TV). Mặc dù bắt đầu phát triển từ 2017, đến nay OTT TV đã chiếm quy mô 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, doanh thu đạt gần 190 tỉ đồng. OTT TV, ngoài các kênh chương trình, còn đang cung cấp đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó phim các loại chiếm đến 60% thời lượng.

Cần tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước và nước ngoài.

Cần tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước và nước ngoài.

Đáng nói, bên cạnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet trong nước, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài dang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng. Các dịch vụ điển hình đang được cơ quan quản lý quan tâm theo dõi, như: WeTV, IQIYI của Trung quốc, Netflix, Apple TV, Disney Plus...

Mặc dù cung cấp các chương trình đa dạng tuy nhiên đi kèm đó là nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, do chưa được cấp phép nên các nội dung cung cấp trên dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới không được biên tập, nhiều phim không được cấp phép phổ biến theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, trên các dịch vụ này có các nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Do đó, việc ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP sẽ góp phần quản lý hiệu quả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường truyền hình trả tiền. Đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các doanh nghiệp xuyên biên giới.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan