Doanh nghiệp đề xuất phân chia cửa khẩu cho từng mặt hàng
Để giảm "ách tắc" cho xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, doanh nghiệp dệt may đề xuất chia cửa khẩu cho từng mặt hàng theo đánh giá mức độ nguy cơ rủi ro.
Theo ông Tao Hui, Tổng Giám đốc Cty TNHH Công nghệ kỹ thuật Ngân Hà, Tập đoàn Texhong chia sẻ, đầu tư tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 với doanh nghiệp đầu tiên tại Đồng Nai. Năm 2012, Tập đoàn Texhong tiếp tục mở rộng sang KCN Hải Yên – Móng Cái, tới năm 2014 tiếp tục đầu tư tại KCN Hải Hà – Móng Cái.
Khu vực Cửa khẩu Móng Cái đóng cửa do chính sách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc.
“Hiện tại Tập đoàn có 3 cơ sở về dệt may tại Việt Nam. Quy mô khoảng 50 vạn hộp sợi mỗi nhà máy và lượng nhân công khoảng 12.000 người. Sản lượng 250.000 tấn/năm và chiếm 30% cả thị trường sợi tại Việt Nam”, ông Tao Hui nói.
Được biết, ngoài ngành sản xuất dệt sợi, Cty TNHH Công nghệ kỹ thuật Ngân Hà còn đang đẩy mạnh sang dệt vải, dệt may thời trang. “Lượng hàng hoá xuất nhập khẩu rất lớn. Do đó, logistics phục vụ nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu hàng hoá là vấn đề công ty rất chú trọng”, Tổng Giám đốc Cty Ngân Hà.
Đơn cử, với riêng Cty Ngân Hà, sản lượng hàng hoá 400 tấn sợi/ngày, do đó khối lượng xuất nhập khẩu 900 tấn mỗi ngày bao gồm cả thành phẩm và nguyên liệu. Trong khi đó, 80% hàng sợi đều xuất khẩu về Trung Quốc.
Do đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm hàng hoá được vận chuyển thuận lợi qua cửa khẩu Đông Hưng – Móng Cái – Quảng Ninh. Cụ thể, những hàng hoá sợi thành phẩm từ Cty Ngân Hà xuất khẩu sang Trung Quốc nên chỉ trước 18h mỗi ngày là có thể về tới cửa khẩu Đông Hưng, sáng hôm sau đã có thể vận chuyển trực tiếp tới khách hàng tại Trung Quốc.
“Có thể nói, đối với mặt hàng dệt may thị trường chính của chúng tôi là tại Quảng Đông. Trước dịch Covid-19, khoảng cách khá gần khi xuất khẩu trực tiếp từ Móng Cái – Quảng Ninh sang Quảng Đông, thuận chí thuận lợi hơn cả chính các công ty tại Trung Quốc”, ông Tao Hui nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi hoàn toàn từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. “2 năm gần đây do đại dịch Covid-19 cửa khẩu Đông Hưng luôn trong trạng thái đóng cửa, để giải quyết vấn đề này chúng tôi chuyển từ xuất khẩu trực tiếp bằng đường bộ qua Đông Hưng sang xuất khẩu bằng đường biển qua cảng Hải Phòng, khiến chi phí tăng cao và thời gian kéo dài hơn, tạo áp lực lớn tới doanh nghiệp, so với năm 2018, chi phí vận chuyển đường biển đã tăng từ 40 USD lên 800 USD/container đường biển”, Tổng Giám đốc Cty Ngân Hà chia sẻ.
Doanh nghiệp đề xuất xuất khẩu hàng hoá nông sản qua Lối mở Km 3+4 – Móng Cái.
Mặc dù thời gian gần đây, cửa khẩu Đông Hưng đã bắt đầu mở lại nhưng do chính sách “Zero Covid” của phía Trung Quốc, các cửa khẩu tại Việt Nam phải xây dựng “đường xanh biên giới” nên hiệu suất thông quan hàng hoá không còn nhanh như trước gây bất lợi với doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng Giám đốc Cty Ngân Hà nhận định, trong khi xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ gặp khó, thông quan “nhỏ giọt” thì cảng biển tại Quảng Ninh lại chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, Quảng Ninh cũng có cảng sâu Cái Lân nhưng chưa làm được tốt như các cảng của Hải Phòng. Đây là khó khăn với doanh nghiệp.
Do đó, đại diện Tập đoàn Texhong kiến nghị Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông. “Đặc biệt, đường sá, cảng biển là những vấn đề doanh nghiệp không thể tự giải quyết do đó cần nhà nước quan tâm đầu tư. Đồng thời đề xuất chính quyền TP Móng Cái phân tách quy hoạch cửa khẩu cho từng mặt hàng theo đánh giá nguy cơ rủi ro”, ông Tao Hui đề xuất.
Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị xuất khẩu sản phẩm nông thuỷ sản qua Lối mở Km 3+4 – Móng Cái, các sản phẩm hàng hoá công nghiệp nguy cơ COVID-19 thấp như hàng dệt may, dệt sợi sẽ xuất khẩu qua Cửa khẩu Bắc Luân II. “Như vậy, sẽ giảm áp lực cho cửa khẩu Bắc Luân II, các sản phẩm dệt may cũng không phải chịu kiểm soát ngặt nghèo như với hàng nông sản như hiện nay giúp thông quan nhanh chóng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc Cty Ngân Hà đề xuất.