A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo có thể tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024?

Ngành dầu khí trong nước được dự báo sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cũng được dự báo sẽ có sự phân hoá rõ rệt.

2023 nhìn chung là một năm không dễ dàng đối với ngành dầu khí trong nước. Sản lượng dầu thô khai thác 11 tháng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 9,56 triệu tấn, tiếp tục xu hướng suy giảm, đặc biệt là sản lượng khai thác trong nước. Sản lượng khí cả năm ước đạt 7,62 tỷ m3, giảm 4,7% so với năm 2022 và đạt 96% kế hoạch cả năm.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế toàn ngành dầu khí 9 tháng đầu năm 2023 lần lượt giảm 12% và 20,5% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu các doanh nghiệp hạ nguồn giảm mạnh hơn do giá dầu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm. BSR, OIL, CNG báo lãi giảm sâu từ 28-49% trong khi PLX, PVS, PVC tăng trưởng khả quan, đặc biệt PVD chuyển từ lỗ sang lãi.

Theo dự báo của Chứng khoán VPBank (VPBankS), doanh thu nhóm ngành dầu khí cả năm 2023 ước đạt 675.575 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 31.866 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 24% so với năm 2022. Năm 2024, doanh thu và lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí được dự báo đạt lần lượt 684.590 tỷ và 31.362 tỷ đồng, tương ứng bằng 101% và 98% của năm 2023.

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo có thể tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024? - Ảnh 1.

Sự phân hoá rõ rệt thể hiện qua dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của từng doanh nghiệp. Theo VPBankS, PVDrilling (PVD) sẽ là doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng mạnh nhất năm 2024 với doanh thu được dự báo đạt 7.050 tỷ và lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,4% và 52,3% so với ước thực hiện năm 2023.

Năm 2024 được đánh giá thuận lợi với PVD khi nhu cầu giàn khoan dầu vẫn ở mức cao trong giai đoạn 2024-2026, giá cước cho thuê giàn tiếp tục ở mức cao, các giàn khoan có hợp đồng dài hạn hết năm 2024, một số giàn có việc làm đến hết 2025. Mặt khác, giá dầu nếu giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến thị trường khoan dầu, đầu tư thăm dò tìm kiếm chậm lại và có thể làm cho giá cước cho thuê giàn khoan sẽ bị điều chỉnh giảm.

Chiều ngược lại, Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có thể sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024. Theo dự báo của VPBankS, doanh thu dự phóng 2024 của BSR sẽ đạt 117.920 tỷ, lợi nhuận trước thuế có thể đạt 6.500 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,7% và 14,5% so với ước thực hiện năm 2023.

Thách thức với BSR đến từ sản lượng sản xuất giảm (khoảng 15%) do thực hiện bảo dưỡng định kỳ lần 5 và giá dầu biến động ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn ổn định và nhà máy hoạt động với hiệu suất cao (>100%) sẽ hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự án đầu tư NCMR gia tăng công suất lên 16% sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo có thể tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024? - Ảnh 2.

Cơ hội và thách thức đan xen

Theo dự báo của nhiều tổ chức, giá dầu sẽ chịu sức ép điều chỉnh trong nửa đầu năm 2024 và dao động trong khoảng 75-80 usd/thùng khi nguồn cung từ nhóm ngoài OPEC tiếp tục tăng, đặc biệt từ Mỹ trong khi nhu cầu hồi phục chậm do kinh tế thế giới còn khó khăn trong ít nhất nửa đầu năm 2024.

Tuy nhiên, giá dầu được kỳ vọng sẽ tăng lên trong khoảng 80-85 usd/thùng vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế hồi phục trở lại nhờ lãi suất giảm. Theo VPBankS, giá dầu ở mức 75-85 usd/thùng về cơ bản vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí trong nước, đặc biệt là việc triển khai các dự án đầu tư thượng nguồn như Lô B- Ô Môn; Sư tử Trắng 2B…

Doanh nghiệp dầu khí nào được dự báo có thể tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024? - Ảnh 3.

Ngoài ra, ngành dầu khí trong nước cũng sẽ có thêm những cơ hội khi nguồn cung khí đốt được bổ sung từ dự án LNG Thị Vải với khả năng cung cấp 1 triệu tấn (1,4 tỷ m3 khí); Kinh tế trong nước hồi phục, thương mại vận tải tăng làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, các dự án điện khí LNG nhập khẩu, dự án NLTT trên biển, sản xuất Amoniac xanh, Hydrogen tiếp tục được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm hoàn thiện các cơ chế chính sách để sớm đưa vào thực hiện đầu tư.

Theo Quy hoạch điện 8, công suất điện gió đến năm 2030 là khoảng 27,88 GW và đến năm 2050 có thể đạt mức 130,05-168,55GW chiếm 29,4% công suất đặt toàn hệ thống. Trong đó, riêng điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là khoảng 6 GW và đến 2050 dự kiến là khoảng 93 GW. VPBankS đánh giá đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp ngành dầu khí phát triển trong trung và dài hạn.

Mặt khác, ngành dầu khí trong nước sẽ phải đối mặt với không ít thách thức nếu giá dầu điều chỉnh giảm sâu xuống mức 50-60 usd/thùng, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, khai thác và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.Nhu cầu khí cho điện trong nước vẫn có khả năng tăng chậm. Năm 2024, Bộ Công thương xây dựng kế hoạch huy động khí cho điện ở mức 4,19-4,47 tỷ m3, bằng 86% ước thực hiện năm 2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan